GIỚI THIỆU HỘI THẢO QUỐC TẾ GIÀ HÓA NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO VÀ ỨNG DỤNG KỸ THUẬT SỐ TRONG CHĂM SÓC NCT ASEAN

Thứ năm, ngày 11/11/2021 08:59 AM (GMT+7)

GIỚI THIỆU HỘI THẢO QUỐC TẾ GIÀ HÓA NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO VÀ ỨNG DỤNG KỸ THUẬT SỐ TRONG CHĂM SÓC NCT ASEAN 19/11/2021, Hà Nội, Việt Nam

1. Bối cảnh

Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu và là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên hành tinh hiện nay. Các quốc gia trên thế giới đều đang có sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong dân số, đặc biệt là những nước đang phát triển. Năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số thế giới. Con số này sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050, đạt hơn 1,5 tỷ người cao tuổi, chiếm 16% dân số thế giới. Đến giữa thế kỷ này, trên thế giới, cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi [UN, World Population Ageing 2020 Highlights].

ASEAN là một cộng đồng có khoảng 634 triệu người, đứng thứ 3 thế giới về quy mô dân số, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. ASEAN hiện có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN (năm 2019). Con số này sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050. Hiện tại, có bốn quốc gia thành viên ASEAN gồm Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang trong giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, đến năm 2050, tất cả các quốc gia này sẽ trở thành quốc gia siêu già, trong khi các quốc gia thành viên khác như Indonesia, Campuchia, Philippines, Brunei Darussalam... sẽ đang ở thời kỳ già hóa dân số hay dân số già [UN, Profiles of Ageing 2019]. Về số lượng người cao tuổi (65+ tuổi) trong cộng đồng, Indonesia là quốc gia có đông người cao tuổi nhất với 16,4 triệu người, tiếp đến là Thái Lan với 8,7 triệu người.

Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (65+ tuổi) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2020, số người cao tuổi Việt Nam là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Nhóm dân số cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên thành 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Nếu như các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ 7% lên 14% dân số ở độ tuổi 65+ như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)... Việt Nam chỉ mất 18 năm!

Già hóa dân số mang lại cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ hội già hóa dân số có thể tạo ra các thị trường mới như trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, du lịch với những nhóm khách đặc thù. Già hóa dân số cũng thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý trong bối cảnh thiếu hụt lực lượng lao động tại một số quốc gia.

Tuy nhiên, già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng... đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm (NCDs), cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn chức năng... Đại dịch Covid-19 đang càn quét khắp thế giới, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở người cao tuổi cao hơn các nhóm dân số khác, dù có sự khác nhau tại mỗi nước. 

Năm 2020, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (ASEAN Center for Active Ageing and Innovation-ACAI). ACAI có nhiệm vụ chính là hỗ trợ hoạch định và thực thi chính sách về già hóa năng động và sáng tạo thông qua việc cung cấp các thông tin, kiến thức và tăng cường năng lực cho mỗi quốc gia thành viên cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN với các đối tác nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN già hóa năng động, sáng tạo.

Tháng 7 năm 2021, tại Cuộc họp lần thứ Nhất của Hội đồng ACAI, Hội đồng đã bầu Thái Lan làm Chủ tịch ACAI và  Việt Nam là Phó Chủ tịch ACAI với nhiệm kỳ 2 năm, 2021-2023. Dự kiến Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ACAI vào năm 2023-2025.

Nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các thành viên ACAI và để thực hiện tốt vai trò Phó Chủ tịch và tiến tới vai trò Chủ tịch ACAI, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội thảo Quốc tế Già hóa Năng động, Sáng tạo và Ứng dụng kỹ thuật số trong chăm sóc người cao tuổi ASEAN với sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Chính phủ Nhật Bản và Công ty Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

2. Mục tiêu của Hội thảo:

Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên ACAI và giữa ACAI với các đối tác phát triển về xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, già hóa năng động và sáng tạo.

3. Nội dung: Hội thảo gồm 6 phiên (chi tiết xem Chương trình) như sau:

3.1. Phiên trù bị

Kiểm tra các thiết bị đường truyền, thực hiện việc kết nối với các thành viên tham dự trực tuyến tại các điểm cầu khác nhau; thông báo chương trình để các diễn giả lưu ý thời gian.

3.2. Khai mạc

Phần khai mạc bao gồm phát biểu của nước chủ nhà Việt Nam, UNFPA, Chủ tịch Hội đồng ACAI, Ban thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành Tổ chức Các đối tác Dân số và Phát triển, lãnh đạo MRI.

3.3. ASEAN – Một cộng đồng Già hóa Năng động

Phiên này nhằm nêu lên bức tranh tổng quan (bao gồm thực trạng, xu hướng cũng như những thách thức đặt ra) về già hóa dân số trên thế giới trong đó có khu vực châu Á-Thái bình dương; tổng quan về vấn đề già hóa dân số trong ASEAN, bao gồm thực trạng, thách thức và cơ hội.

Phiên này cũng nêu lên những thách thức, kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi của một số quốc gia thành viên ACAI trong bối cảnh đại dịch covid-19 và những sáng kiến xây dựng cộng đồng già hóa năng động, khỏe mạnh của thành viên ACAI.

3.4. ASEAN- Một cộng đồng Già hóa Sáng tạo

Phiên này tập trung vào chủ đề sáng tạo của ACAI. Già hóa dân số không chỉ mang đến những thách thức mà còn mang đến cả những cơ hội cho sự phát triển kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Phiên có phần chia sẻ về việc ứng dụng phần mềm S-health trong chăm sóc người cao tuổi của Việt Nam.3.5. Xây dựng xã hội dân số già: Những bài học kinh nghiệm và sáng kiến từ Nhật BảnPhiên này tập trung vào phần chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong xây dựng xã hội dân số già của Nhật Bản. Nhật Bản là nước có dân số siêu già và là một trong những quốc gia điển hình trong việc thích ứng với dân số già. Những kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, giải pháp sáng tạo, sáng kiến áp dụng khoa học công nghệ trong xây dựng xã hội dân số già sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá đối với Việt Nam và các quốc gia thành viên ACAI. Tại phiên này, MRI (Nhật Bản) sẽ chia sẻ sáng kiến xây dựng mô hình chăm sóc tích hợp người cao tuổi tại cộng đồng với vai trò nòng cốt của cộng tác viên dân số tại Việt Nam. 3.6. Đồng hành cùng ASEAN vì một cộng đồng Già hóa Năng động, Sáng tạo    Phiên này sẽ nghe báo cáo về sự ra đời và sứ mệnh của ACAI để từ đó các đại biểu cùng nhau tập trung thảo luận về việc các thành viên ACAI chủ động thích ứng như thế nào đối với vấn đề già hóa dân số, về những mong muốn, về khả năng hợp tác giữa các thành viên ACAI và giữa ACAI với các đối tác phát triển nhằm hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, già hóa khỏe mạnh, năng động và sáng tạo. Phiên thảo luận sẽ được tổ chức dưới dạng tọa đàm trực tiếp của các đại diện ACAI, UNFPA, HAI, MRI, Việt Nam.

4. Cách thức tổ chức:

Hội thảo cùng lúc được diễn ra theo phương thức trực tiếp và trực tuyến. Các đại biểu ngoài nước và một số đại biểu trong nước sẽ tham dự trực tuyến do đang trong bối cảnh dịch Covid 19.

5. Thời gian và Địa điểm:

- Thời gian: Thứ Sáu, ngày 19/11/2021

- Địa điểm: InterContinental Hanoi Landmark, Keangnam Landmark Tower 72, Hà Nội, Việt Nam

6. Ngôn ngữ:  Tiếng Anh và tiếng Việt

7. Diễn giả đến từ:

- Các quốc gia thành viên ASEAN/ACAI;

- Ban Thư ký ASEAN (Nhóm công tác Y tế);

- Các cơ quan của Liên hợp quốc;

- Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế;

- Chuyên gia Nhật Bản, MRI;

- Việt Nam.

8. Thành phần tham dự

Đại biểu quốc tế:

- Nhóm công tác Y tế của Ban Thư ký ASEAN;

- Các quốc gia thành viên ASEAN/ACAI;

- Đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam;

- Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, Việt Nam;

- Các cơ quan của Liên hợp quốc:  UNFPA, WHO, IOM…

- Đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA);

- Viện Nghiên cứu Mitsubishi, MRI, MC;

- Các tổ chức Quốc tế: HelpAge International...

Đại biểu Việt Nam:

+ Đại diện Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương); Vụ Xã hội (Ban kinh tế Trung ương); Văn phòng Quốc hội (Vụ các vấn đề xã hội), Văn phòng Chính phủ (Vụ Văn xã), Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; Trung ương Hội LHPN; Trung ương Đoàn thanh niên CSHCM; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi; Trung ương Hội Nông dân; Tổng hội Y học...

+ Đại diện đại diện các Vụ, đơn vị Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ;

+ Một số Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, các tổ chức xã hội... có liên quan

+ Các nhà khoa học, chuyên gia có liên quan đến vấn đề người cao tuổi.

+ Địa phương: Sở Y tế, Chi cục Dân số địa phương.

- Truyền thông: Các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội

Cùng chuyên mục