Cấm trẻ sử dụng mạng xã hội để tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục?

Thứ Ba, 27/12/2022 02:16 PM (GMT+7)

Vì muốn bảo vệ con em mình, nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cần ngăn cấm trẻ sử dụng mạng xã hội để tránh việc làm quen với người lạ qua mạng. Từ đó có thể ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra. Vậy quan điểm đó có phải là hướng giải quyết đúng đắn và đem lại hiệu quả?

Thực tế ghi nhận, trong nhiều năm gần đây, không ít sự việc đáng tiếc đã xảy ra với những bé gái khi bản thân bị xâm hại tình dục hay bị dụ dỗ, bỏ nhà đi theo người lạ… Đặc biệt, những sự việc đau lòng này thường bắt nguồn từ mối quan hệ qua mạng xã hội.

Cấm trẻ sử dụng mạng xã hội không có giá trị tránh xâm hại tình dục. Thay vì ngăn cấm, bố mẹ hãy hướng dẫn con dùng mạng xã hội đúng cách cũng như hướng dẫn con bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Cách sử dụng mạng xã hội đúng:

mang xa hoi

1. Bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân

Quyền riêng tư và thông tin cá nhân không đơn thuần là lập chế độ “công khai” hay người xem “chỉ có bạn bè” ở các bài đăng trên Facebook. Nó còn bao gồm việc đánh giá độ tin cậy của các trang web trước khi dùng email cá nhân đăng ký thành viên, hoặc dùng số điện thoại để đăng ký wifi miễn phí nơi công cộng, nên hay không giao quyền kiểm tra vị trí của mình cho các ứng dụng di động. Kẻ xấu có thể lợi dụng vị trí, hình ảnh và thông tin liên lạc của con. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ các cách quản lý thông tin trên Internet và hướng dẫn trẻ một cách tường tận.

2. Không cả tin với những mối quan hệ trên mạng xã hội

Cha mẹ cần nhắc nhở con cẩn trọng với những người mới quen trên mạng. Nếu chưa từng gặp mặt thì con không được cung cấp các thông tin riêng tư như số nhà, trường học, lớp học, số điện thoại. Nếu con hẹn gặp những người bạn quen từ trên mạng thì cần có cha mẹ hay người lớn đáng tin cậy đi cùng.

Ngay cả với bạn học, con cũng không nên tiết lộ mật khẩu của các tài khoản đăng ký mạng xã hội, trang mua sắm… rất có thể bạn bè sẽ sử dụng tài khoản của con làm những việc không hay, dù chỉ là trêu đùa. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, có những mối quan hệ thân thiết, cha mẹ hãy chia sẻ thân tình với con về các tình huống rủi ro về thông tin trên mạng, dặn dò con không gửi ảnh nhạy cảm của mình cho bạn hay bất kì ai vì tin rằng “Tớ sẽ xoá ngay thôi!”. Những tấm ảnh và giây phút bồng bột ấy có thể gây nhiều phiền toái về sau. 

3. Mọi thứ là “bất tử” trên Internet

Cha mẹ cần khuyên con suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải hay chia sẻ điều gì trên mạng xã hội, nhất là những thông tin có thể ảnh hưởng danh tiếng của con trong tương lai. Ngày nay, nhiều nhà tuyển dụng hay các chương trình xét duyệt học bổng đều tìm hiểu ứng viên thông qua mạng xã hội. Họ sẽ nghĩ thế nào nếu nhìn thấy những tấm hình và các câu đùa quá trớn của con? Thậm chí, ngay cả khi con xoá bài đăng rồi thì cũng không chắc là nó đã hoàn toàn biến mất vì ai cũng có thể lưu lại những tấm ảnh trên mạng xã hội.

4. Cẩn trọng khi bình luận

Cha mẹ hãy nhắc nhở con cư xử tử tế với bạn bè trên mạng như khi ở ngoài đời thật. Có thể con không ác ý khi bình luận vui về ngoại hình hay tính cách của người khác nhưng những lời đó có thể khiến họ tổn thương sâu sắc.

Hơn nữa, khi nói chuyện trực tiếp thì có thể nghe thanh âm, ngữ điệu để biết tâm ý của một người, nhưng những câu chữ trên mạng lại không phản ánh được điều đó. Đôi khi con có thể mất đi một tình bạn đẹp chỉ vì vài dòng bình luận vô tâm.

5. Kiểm tra tài khoản của con một cách nhẹ nhàng, minh bạch

Để đảm bảo con đang làm theo những nguyên tắc an toàn trên mạng xã hội, thỉnh thoảng cha mẹ cần kiểm tra tài khoản, điện thoại và máy tính của con, nhưng đừng làm việc này một cách lén lút. Hãy cùng con kiểm tra để con hiểu rằng chuyện cha mẹ đang làm là để bảo vệ, hướng dẫn cho con, chứ không phải đang theo dõi con. Nếu phát hiện những nguy cơ hoặc những hành động không đúng của con, hãy bình tĩnh, góp ý nhẹ nhàng để con hiểu và cùng sửa chữa. Đơn giản hơn, hãy kết bạn với con trên Facebook hoặc Follow con tên Instagram để hiểu thêm về cuộc sống của con mình, nếu con cảm thấy thoải mái và đồng ý.

6. Cha mẹ cần làm gương cho con trẻ

Con cái sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen sử dụng mạng xã hội của cha mẹ mình. Do đó, việc dạy con sử dụng mạng xã hội cũng là cơ hội để bạn xem xét việc chính bản thân có đang lơ là với các quy tắc an toàn thông tin cá nhân hay không, có đang dễ dãi khi bình luận hoặc có đang dành quá nhiều thời gian để sống trên mạng xã hội không.

Hướng dẫn trẻ bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục:

các buoc noi ch ve gioi tinh

1. Dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể

Nhiều bé bị kẻ xấu xâm hại trong trạng thái không tự nhận biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do bé quá ngây thơ và chưa có nhiều kiến thức về cơ thể của chính mình. Thế nên việc đầu tiên bố mẹ cần làm để dạy trẻ phòng chống xâm hại chính là hướng dẫn cho con biết về cơ thể của mình, đặc biệt là vùng kín của trẻ. Bố mẹ nên bắt đầu việc này càng sớm càng tốt, khi trẻ được 3 tuổi cho tới khi trẻ lớn hơn. Với trẻ con nhỏ, bố mẹ chưa cần giải thích quá kỹ mà nên bắt đầu dạy trẻ nhớ tên các bộ phận trên cơ thể. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể dạy chuyên sâu về khu vực vùng kín, hướng dẫn cho trẻ bảo vệ khu vực này cũng như cách vệ sinh cá nhân. Đồng thời, bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng không ai được phép nhìn hay sờ chạm vào những bộ phận này, ngoại trừ bố mẹ khi tắm cho trẻ và bác sĩ khi khám bệnh với sự có mặt của bố mẹ.

2. Dạy trẻ về ranh giới cá nhân

Hãy dạy cho trẻ biết về ranh giới cá nhân và vùng nhạy cảm trên cơ thể. Và điều quan trọng nhất chính là: không ai được phép sờ chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ, và ngược lại, con cũng không được phép đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác. Mặc dù cả hai vế trên đều quan trọng như nhau, nhưng có rất nhiều bố mẹ chỉ dạy cho con điều thứ nhất đó là bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy con điều còn lại là tôn trọng cơ thể người khác. Phần lớn những vụ xâm hại tình dục trẻ em, người thực hiện không ai khác lại chính là những người bạn gần gũi của trẻ. Thế nên bố mẹ hãy đảm bảo việc dạy cho bé cả 2 điều trên.

3. Khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày của chúng

Trẻ nhỏ còn ngây thơ và ít cảnh giác, thế nên không phải trẻ nào cũng đủ nhận thức để biết được tình huống nào là nguy hiểm. Thế nhưng việc đe dọa trẻ bằng cách đưa ra một loạt ví dụ về xâm hại tình dục sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy khó hiểu và sợ hãi. Thay vào đó, bố mẹ hãy gần gũi trẻ, thường xuyên tâm sự về các hoạt động hằng ngày của con. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành niềm tin ở bố mẹ và có thói quen tâm sự thoải mái về bất kỳ chủ đề nào trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến cho những lời đe dọa của kẻ xấu trở nên vô ích (kẻ xấu thường dọa và cấm trẻ kể lại chuyện này cho bất cứ ai, khiến người thân của trẻ không nắm được sự việc).

4. Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm

Trẻ nhỏ thường có tâm lý ngại từ chối người khác, đặc biệt là với bạn bè hoặc những người hơn tuổi vì sợ bị ghét, sợ bị cô lập và tâm lý non yếu, dễ hoảng sợ khi bị người khác dọa nạt. Tất cả những yếu tố đó khiến trẻ trở thành đối tượng lý tưởng cho kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại. Vì lý do này, bố mẹ nên dạy trẻ cách phản ứng, giao tiếp phù hợp để có thể thoát khỏi các tình huống bất lợi. Bố mẹ có thể đưa ra các tình huống giả định và hỏi xem cách xử lý của trẻ là gì, sau đó hãy hướng dẫn cho con cách xử lý tốt nhất.

5. Dặn trẻ không nên giữ bí mật với bố mẹ khi bị đe dọa

Trẻ nhỏ biết rất rõ kẻ xâm hại mình là ai, thế nhưng kẻ xấu thường đe dọa trẻ với nhiều lý do, khiến cho trẻ sợ, lo lắng và giữ im lặng về chuyện này. Thế nên, bố mẹ cần làm công tác tư tưởng cho bé, thường xuyên tâm sự và hỏi thăm bé về các hoạt động hằng ngày để tạo niềm tin vững chắc cho con. Đồng thời hãy nhắn nhủ con rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh bảo vệ và giúp đỡ con, không bao giờ trách mắng hay trừng phạt con vì những điều mà con gặp phải. Đặc biệt, nếu con bị người xấu đe dọa, khiến con sợ hãi, hãy nói với bố mẹ để bố mẹ có thể bảo vệ con.

Bên cạnh đó, bố mẹ và trẻ cũng nên tạo ra những ám hiệu riêng để sử dụng trong những tình huống bất an, điều này đặc biệt hiệu quả và khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn khi kẻ xấu lại chính là những người thân thuộc với gia đình. Bố mẹ cũng cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ để nắm bắt tình hình, bởi đôi khi trẻ quá khép mình và sẽ không chủ động chia sẻ nếu bị xâm hại. Bố mẹ nên đặc biệt cảnh giác nếu trẻ đột nhiên tỏ ra hoảng sợ khi bị người nào đó chạm vào người, không muốn tiếp xúc và muốn tránh xa những người trước đây trẻ vô cùng yêu mến.

6. Dạy trẻ đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết

Hãy cho trẻ biết rằng bất cứ nơi đâu cũng đều có thể xảy ra nguy hiểm: tại sân chơi, ở trường học, công viên,... và bất cứ ai cũng có thể là kẻ xấu như: hàng xóm, họ hàng xa, bạn bè… Vì vậy, con cần cảnh giác với những người có biểu hiện, hành vi không đứng đắn và không tôn trọng con.

Người Việt có thói quen đó là hồn nhiên sờ chạm, cấu véo vào vùng nhạy cảm của trẻ và cho rằng đó là hành động rất đỗi bình thường để thể hiện sự quan tâm và tình cảm. Tuy nhiên, đó là hành vi xâm hại trẻ em, khiến cho trẻ khó chịu. Nếu hành vi diễn ra thường xuyên thì có thể khiến trẻ lầm tưởng rằng đó thực sự là một cách để thể hiện tình cảm, mất cảnh giác rồi trở thành nạn nhân của kẻ xấu, thậm chí trẻ có thể là người tiếp theo thực hiện hành vi này và “lan tỏa” tư duy nguy hiểm này rộng thêm. Chính vì thế, bố mẹ cần kiểm soát những hành động đó từ những người xung quanh để bảo vệ trẻ, đồng thời phải dặn dò con thông báo lại cho bố mẹ nếu bất kỳ ai có hành vi như vậy với con, và dạy con cách tri hô cầu cứu nếu cần thiết.

Được bảo vệ khỏi mọi tình huống nguy hiểm nói chung và những kẻ xâm hại nói riêng là quyền của mọi đứa trẻ. Hy vọng rằng bố mẹ sẽ luôn đề cao cảnh giác và có trách nhiệm giáo dục trẻ các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn này.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...