Cần siết chặt quy định phá thai, nghiêm cấm loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức

Thứ Ba, 21/06/2022 09:23 AM (GMT+7)

Theo các nhà nghiên cứu, lựa chọn giới tính đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ phá thai ở phụ nữ Châu Á. Tại Việt Nam, phá thai để lựa chọn giới tính đã xuất hiện ở nước ta từ đầu những năm 1990 khi mà siêu âm để theo dõi thai nghén bắt đầu được sử dụng và ngày càng rộng rãi.

2.3

Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức là việc làm bị nghiêm cấm.

 Trầm cảm vì phá thai

Minh Thu (đã đổi tên) quê Hưng Yên vốn là một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi. Thế nhưng, từ sau khi lấy chồng, cô dần trở thành một con người khác. Thu đã bị stress nặng vì lỡ về làm dâu một gia đình có “tiếng” gia trưởng, thích con trai. Ngay sau khi kết hôn, gia đình nhà chồng cô đã đặt ra “chỉ tiêu” con đầu lòng nhất định phải là con trai để cho chắc ăn.

Tuy nhiên, lần mang thai đầu tiên của cô, thai nhi là gái. Từ ngày biết tin, bố mẹ chồng và ngay cả chồng cô cũng tỏ thái độ không hài lòng ra mặt. Trong suốt thời kỳ thai nghén, cô hầu như không nhận được sự quan tâm, chăm sóc nào từ phía nhà chồng. Đứa trẻ khi sinh ra cũng phải chịu sự ghẻ lạnh của gia đình bên nội. Khi ấy, cô chỉ biết ôm con khóc vì tủi thân.

Đến đứa thứ hai, áp lực phải đẻ con trai càng nặng nề hơn. Do đó, cô bắt đầu lần mò lên mạng để tìm hiểu làm thế nào để sinh con trai và áp dụng theo. Thế nhưng, sau khi đi siêu âm và biết thai nhi vẫn là con gái, cô bắt đầu thấy hoang mang.

Cô lo sợ, đứa trẻ lần này lại giống như chị của nó, bị hắt hủi chỉ vì không phải con trai như mọi người mong muốn. Vì thế, cô đã âm thầm đến một phòng khám sản tư nhân để “xử lý” đứa bé. Ngay sau đó, nỗi ám ảnh tội lỗi luôn đè nặng trong cô, đêm nào cô cũng gặp ác mộng và bị stress nặng. Cuối cùng, cô phải nhập viện điều trị vì chứng trầm cảm.

Câu chuyện đau lòng của Thu là hệ luỵ của tâm lý ưa thích con trai với quan niệm “một trăm đứa khóc như ri không bằng một đứa nó đi giật lùi”. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước và trong khi mang thai ở nước ta. 

Đề cập cụ thể đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, vào năm 2003, khi thực hiện một nghiên cứu về phá thai, bà và các cộng sự đã phát hiện có nhiều phụ nữ phá thai là những người có 2 con gái trở lên. Đáng buồn là họ thường phá thai khi tuổi thai đã lớn.

Cũng theo TS. Khuất Thu Hồng, trong Báo cáo Dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.

“Đây là một hình thức bạo lực giới nghiêm trọng. Rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai nhiều lần để sinh được con trai. Những người khác thì phải phá thai nhiều lần để đạt được mục đích đó. Bản thân người phụ nữ phải trải qua rất nhiều những đau khổ và dằn vặt trước khi đi đến quyết định phá thai. Nhiều người trong số họ còn gặp những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Nghiêm cấm loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức

Theo Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Cùng đó, Điều 10, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan. Bởi với sự phát triển của nền y học trên thế giới, nhất là sự tiên tiến trong các kỹ thuật siêu âm hiện đại thì việc xác định giới tính thai nhi ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã trở nên khá phổ biến.

Theo đó, dù pháp luật đã quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm. Điều đó chứng tỏ nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám siêu âm vẫn có nhiều cách thức để “lách luật” thông báo ngầm cho thai phụ về giới tính của đứa trẻ. Tình trạng này rất khó phát hiện và kiểm soát dẫn đến việc phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra.

Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Y tế dự kiến giải pháp trong Luật Dân số tiếp tục thực hiện pháp luật hiện hành (“Phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng” - Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989); “Nghiêm cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính” (Pháp lệnh Dân số năm 2003); “Cấm phá thai trái phép” (Bộ luật Hình sự 2015); “Cấm phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ” (Quy định chuyên môn: “Phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ”), bổ sung thêm các quy định: Nghiêm cấm Loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác”; nghiêm cấm “Thực hiện phá thai không đúng quy định”; đồng thời siết chặt việc quản lý dịch vụ phá thai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với mục đích quản lý chặt chẽ về phá thai nói chung và đối với dịch vụ phá thai nói riêng nhằm giảm tình trạng phá thai, phá thai không an toàn, phá thai trái phép; giảm số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn; giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người được phá thai; giảm vô sinh, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Theo dự thảo Luật Dân số, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, gồm các hành vi sau đây:

Xuất bản, in, phát hành, lưu hành xuất bản phẩm; tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Tư vấn, thực hiện phương pháp tạo giới tính thai nhi. Xác định và cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp luật có quy định khác. Loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác. Kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái. Ép buộc, xúi giục người khác lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai vì giới tính của thai nhi. Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, quảng cáo các sản phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Phạm Thị Huyền

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....