
Người di cư là một lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân người di cư là một đối tượng dễ bị tổn thương và phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có các vấn đề về sức khỏe, đòi hỏi phải xây dựng và thực hiện các chính sách, mô hình, dự án sức khỏe phù hợp với người di cư.
Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác để giải quyết vấn đề trên, ngày 7/7/2020, Tổng cục Dân số đã phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo Khởi động Chương trình Nâng cao Sức khỏe Người di cư Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích thực trạng sức khỏe người di cư Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho biết, việc xây dựng Chương trình sức khỏe người di cư tại Việt Nam là rất cấp thiết. Di dân nước ta rất đa dạng và có quy mô lớn. Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người di cư. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, do đó di cư và sức khỏe người di cư là vấn đề lớn và lâu dài của Việt Nam. Chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng có sự quan tâm đến sức khỏe người di cư từ rất sớm. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhấn mạnh một quốc gia sẽ không đạt được mục tiêu Bao phủ Chăm sóc sức khỏe toàn dân nếu quốc gia đó không quan tâm giải quyết vấn đề sức khỏe người di cư. Người di cư cần được theo dõi, quản lý sức khỏe, được cung cấp thông tin y tế đầy đủ và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa dạng, phù hợp với điều kiện của bản thân. Để làm được điều đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người di cư cần có sự tham gia hợp tác của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự chủ động của chính bản thân người di cư và sự điều phối theo một chương trình thống nhất. Đây là công việc mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư và gia đình họ; đồng thời là giải pháp tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và phát triển bền vững đất nước.
Phương Dung/Thế Ân/Việt Dũng/Hà Thu Thủy
Cùng chuyên mục
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các nước thành viên hãy đưa ra những cam kết chắc chắn nhưng táo bạo,...
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác...
Thời tiết cả nước đang trong những ngày nắng gay gắt. Tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời có thể gây hại da,...
Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác để giải quyết vấn đề sức khỏe của người di cư, ngày 7/7/2020, Tổng...