Đẩy mạnh chăm sóc người cao tuổi về sức khoẻ, tinh thần

Thứ Sáu, 12/08/2022 04:01 PM (GMT+7)

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bên cạnh việc phát huy các thiết chế, cơ chế hiện có, "cần có thêm không gian mới" để đẩy mạnh hoạt động chăm sóc người cao tuổi về sức khoẻ, tinh thần và khả năng tiếp cận với các kiến thức, công nghệ mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam - Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 10/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Người cao tuổi làm việc với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam về công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi từ đầu năm đến nay, một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026, Trung ương Hội đã dành thời gian làm việc với 33 Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương để ghi nhận các đánh giá, ý kiến đóng góp để tiếp tục nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương.

Hiện cả nước có trên 6,5 triệu người cao tuổi tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, 656.000 người tham gia công tác đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải cơ sở; trên 300.000 người tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở…

Trong giai đoạn 2017-2022, người cao tuổi cả nước đã đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, đóng góp kinh phí, hiến 2,4 triệu m2 đất để xây dựng, sửa chữa đường làng, kênh mương, nhà văn hoá, trường học, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết số lượng hội viên ngày càng tăng đặt ra yêu cầu phải thống nhất mô hình tổ chức để các cấp hội người cao tuổi hoạt động đồng bộ, tổng thể, liên thông - Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết số lượng hội viên ngày càng tăng đặt ra yêu cầu phải thống nhất mô hình tổ chức để các cấp hội người cao tuổi hoạt động đồng bộ, tổng thể, liên thông - Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhiều người cao tuổi tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học. Nhiều người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân văn hoá vẫn hăng say làm việc, tạo ra những sản phẩm, tác phẩm có giá trị cao, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Hội đã triển khai đồng bộ hai chương trình công tác lớn là chương trình "Người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở" và chương trình "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; hai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam", "Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020" và một số nhiệm vụ công tác khác.

Ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, số lượng hội viên ngày càng tăng đặt ra yêu cầu phải thống nhất mô hình để tổ chức người cao tuổi hoạt động đồng bộ, tổng thể, liên thông.

Công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh ban đầu, định kỳ cho người cao tuổi còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ đối với công tác người cao tuổi, chưa tạo nhiều cơ hội để người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội.

Lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đã trình bày kế hoạch phối hợp với Bộ Công an về tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2016-2021

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc làm việc đều cho rằng, thời gian qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức, tập hợp được đông đảo người cao tuổi tham gia Hội, với trên 9,7 triệu hội viên, chiếm gần 90% tổng số gần 12 triệu người cao tuổi cả nước. Hội Người cao tuổi các cấp có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.

Các ý kiến cũng đã thảo luận về một số nhiệm vụ cụ thể để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc toàn diện người cao tuổi về sức khoẻ, tinh thần.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh cho rằng với xu hướng già hoá dân số đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Cụ thể là đẩy mạnh hoạt động khám, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn để phát hiện, điều trị sớm nếu có bệnh; thành lập, phát triển các câu lạc bộ bệnh mãn tính; chương trình phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; phát huy vai trò nòng cốt của người cao tuổi trong công tác tuyên truyền vận động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "đặt hàng" Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam có chương trình phối hợp để người cao tuổi có thể tự học, cùng học với con cháu, tiếp cận những kiến thức mới - Ảnh: VGP/Đình Nam

Đánh giá cao công tác người cao tuổi thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của Hội Người cao tuổi trong tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2016-2021; tổ chức Tháng Hành động vì Người cao tuổi năm 2022; yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Người cao tuổi Việt Nam để tạo điều kiện cho các cấp hội hoạt động thuận lợi.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh việc phát huy các thiết chế hiện có, "cần có thêm không gian mới" để đẩy mạnh hoạt động chăm sóc người cao tuổi về sức khoẻ, tinh thần và khả năng tiếp cận với các kiến thức, công nghệ mới.

Phó Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, có phương án để mua bảo hiểm y tế cho 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng các gói chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho người cao tuổi, trong đó có khám định kỳ, theo dõi sức khoẻ thường xuyên.

Về các hoạt động chăm sóc tinh thần cho người cao tuổi, Phó Thủ tướng cho rằng Hội Người cao tuổi cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể để phát động, duy trì phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương.

Phó Thủ tướng cũng "đặt hàng" Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam có chương trình phối hợp để người cao tuổi có thể tự học, cùng học với con cháu, tiếp cận những kiến thức mới, phát huy hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng.

Trên cơ sở Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Hội Người cao tuổi Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tin học hoá chương trình quản lý hội viên, phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của các cấp hội, hội viên trong tương lai. 

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...