Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc - Mục tiêu rất quan trọng với công tác dân số

Thứ Bảy, 27/11/2021 10:55 AM (GMT+7)

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% dân số, đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.

Mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong15 năm qua nhưng hiện nay vẫn đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển; trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. 

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 40,6 triệu người, chiếm 42,2% dân số cả nước, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế

Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.

Để giải quyết vấn đề này, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Chiến lược DSPT với quan điểm chỉ đạo là quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh.

Tùy tình hình thực tế công tác dân số tại các địa phương để có các hoạt động truyền thông tăng cường phù hợp. Theo đó, tại các địa bàn có mức sinh cao (chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay các tỉnh khu vực Tây Nguyên) tiếp tục duy trì cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt” để nâng cao nhận thức về mức sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, lao động việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Tiếp tục tổ chức có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong khi đó, tại các địa bàn có mức sinh thấp (chủ yếu các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ) thì lại ưu tiên tuyên truyền, vận động để nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không đẻ muộn…; mức sinh thấp, kéo dài sẽ có những hệ lụy đến ổn định quy mô dân số, nguồn lao động, già hóa dân số và nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh nghiệm tại nhiều nước có mức sinh thấp duy trì trong nhiều năm thì đang tìm giải pháp tăng sinh nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đối với các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số thì công tác truyền thông hướng mạnh vào việc tư vấn để nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình và cả cộng đồng. Để thành công trong nhóm đối tượng này cần có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng hay các chức sắc tôn giáo. Đồng thời,  khuyến khích thành lập các mô hình truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa bàn trọng điểm.

Phạm Thị Huyền

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...