Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc - Yếu tố tiên quyết giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững

Thứ Năm, 23/06/2022 08:00 AM (GMT+7)

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, mang lại lợi tích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước.

Mức sinh có xu hướng xuống thấp và có sự khác biệt giữa các vùng

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay nước ta lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, mức sinh còn cao, có nơi trên 2,5 con/phụ nữ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Kết quả này giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh.

Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.

Để giải quyết vấn đề này, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

Cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Để triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế ban bành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng tới ổn định quy mô dân số và cơ cấu dân số hợp lý hơn giữa các vùng, miền trong cả nước góp phần bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Đưa chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh vào trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Theo các nhà nhân khẩu học, trong thời gian tới, mức sinh có thể tăng hoặc giảm xuống mức thấp như một số quốc gia đã gặp phải hoặc tiếp tục duy trì mức sinh thay thế nếu có biện pháp, chính sách điều chỉnh thích hợp, có hiệu quả. Các trường hợp về mức sinh không mong muốn có thể xảy ra là: Mức sinh có thể giảm xuống mức thấp, thậm chí xuống rất thấp, khó có khả năng trở lại mức sinh thay thế. Hai là, mức sinh có thể tăng trở lại, quy mô dân số có thể tăng.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một số nước chậm điều chỉnh chính sách khi mức sinh đang tiệm cận mức sinh thay thế, đã làm cho mức sinh tiếp tục giảm nhanh xuống mức rất thấp; một số nước nới lỏng chính sách giảm sinh khi đạt hoặc sau khi đạt mức sinh thay thế thì mức sinh chỉ tăng thêm chút ít và chỉ tăng trong vài năm, sau đó lại giảm.

Trong khi đó, khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù chi phí rất lớn, nhưng hầu như không có tác dụng làm mức sinh tăng trở lại lên mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), thậm chí là mức 1,8 con/phụ nữ.

Chính vì vậy, để tránh đi vào “vết xe đổ” mà các nước đã gặp phải cũng như đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc được coi là yếu tố tiên quyết. Để duy trì mức sinh thay thế cần thiết phải sử dụng đồng bộ các biện pháp tuyên truyền vận động, giáo dục, kinh tế, pháp luật và hành chính; đồng thời quy định về quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chính sách “Duy trì mức sinh thay thế” trong đề nghị xây dựng Luật Dân số. Các giải pháp của chính sách đưa ra các biện pháp điều chỉnh mức sinh trên phạm vi toàn quốc, trong đó nêu rõ: Xác định chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh là chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lồng ghép các nội dung về điều chỉnh mức sinh, kế hoạch hóa gia đình và chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trong xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, phát triển dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ đảm bảo công bằng, bình đẳng, không phân biệt giới tính, người đã kết hôn, người chưa kết hôn; thực hiện chương trình giáo dục định hướng về hôn nhân và gia đình cho thanh niên; đưa nội dung vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, ấp, bản, tổ dân phố; hỗ trợ các đối tượng thực hiện đúng chính sách dân số …

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức sinh thấp, Nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con thông qua các biện pháp như cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình; tạo môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con, các gia đình cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp giảm sinh, sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh cao, thực hiện cuộc vận động dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt; hỗ trợ người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện các biện pháp tránh thai; mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ tránh thai.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho người cung cấp dịch vụ kỹ thuật tránh thai từ tuyến trên xuống làm việc ở tuyến dưới tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cộng tác viên dân số, người vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng. Tổ chức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các gói dịch vụ dân số cơ bản phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa.

Theo Bộ Y tế, hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của các địa phương này so với các các địa phương, khu vực khác.

 Vũ Ngọc Chương

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....