Giải quyết đa diện các vấn đề người cao tuổi

Thứ Ba, 31/10/2017 12:00 AM (GMT+7)

Sau 20 năm đặt nền móng, thử nghiệm và bổ sung, đến nay Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, do tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HAI) tại Việt Nam khởi xướng đã khẳng định tính bền vững, trở thành một trong số rất ít mô hình góp phần giải quyết đa diện không chỉ các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, mà còn gánh đỡ hệ quả cho những vấn đề xã hội vốn tồn tại 'đặc thù' ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Chăm sóc người cao tuổi tại nhà là một trong những hoạt động thiết thực, thường xuyên của CLB LTH TGN. Ảnh: Help Age International (HAI)

Nhân chuyến đánh giá chương trình của các chuyên gia và cán bộ HAI tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Thung, xã Ái Thượng. CLB có khoảng hơn 40 thành viên trong trang phục truyền thống dân tộc Mường, người trẻ nhất là 30 tuổi, người cao nhất đã gần 70. Sau một tháng gặp lại nhau, trên gương mặt của từng người, từ trẻ đến già đều lộ rõ vẻ hồ hởi, phấn khởi.

Như những người thân, họ đứng lên chia sẻ với nhau những việc đã làm. Họ bàn bạc về những thành viên đang gặp khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ. Ngoài phần tổng kết, 2 giờ sinh hoạt bổ ích đã giúp họ nâng cao nhận thức, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp. Nụ cười, tiếng nói cứ lan rộng không ngừng trong không gian ấy. Họ đến với nhau không chỉ để được vui mà quan trọng hơn là để cùng nhau giải quyết những nhu cầu trong cuộc sống một cách thiết thực và cụ thể nhất.

Chứng kiến sự tự tin, nhiệt huyết của bà Bùi Thị Tuyển khi chia sẻ kinh nghiệm của mình và trong phát động phong trào nuôi nhím trong CLB cũng như tại địa phương, ít ai nghĩ bà đã vượt qua được khó khăn, sống vui, sống khỏe trong hoàn cảnh như vậy. Vì ở nhà không đủ sống nên hai người con của bà vào miền Nam làm việc đã nhiều năm nay. Do thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nên hầu như cả hai không có tiền gửi về giúp gia đình. Một vài năm sau, thêm một người con trai của bà bị tai nạn qua đời, con dâu bỏ đi biệt tích, nên bà cùng chồng gần 60 tuổi phải nuôi nấng, chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ.

Tháng 5-2015, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Thung được thành lập, bà Tuyển gia nhập, với mong muốn được sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ cho khuây khỏa. Nhưng sau 3 tháng, bà Tuyển là 1 trong 19 thành viên đầu tiên được vay vốn 5 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ đầu vào tăng thu của CLB trong vòng 18 tháng. Do đã có kinh nghiệm nuôi nhím, nhưng trước không có vốn nên bà đã mua 1 đôi nhím giống trị giá 3 triệu đồng và thêm 60 con ngan giống cùng thức ăn chăn nuôi trị giá 2 triệu đồng.

Một năm sau đó, từ đôi nhím giống đã sinh được 4 nhím con trị giá 6 triệu đồng, nhưng bà không bán ngay mà để nuôi nhân giống tiếp. Sau 6 tháng, bà đã xuất bán được 6 con với giá 2,5 triệu/con. Từ đó đến nay, đàn nhím của ông bà liên tục gia tăng. Nguồn thu ổn định này đã giúp ông bà không còn nơm nớp khi phải thay con chăm sóc, nuôi nấng các cháu ăn học.

Chia tay CLB thôn Thung, chúng tôi đến nhà bà Hà Thị Quyển, 65 tuổi, là thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Cành Nàng, vì được biết các thành viên CLB đang giúp bà lợp lại mái nhà bị dột. Mặc dù lúc ấy trời mưa nhỏ, nhưng mọi người vẫn vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Có bà cao tuổi nhưng vẫn xông xáo lên lợp mái cùng người trẻ. Trông bà khỏe mạnh nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Những người không lên mái lợp thì ở dưới kết tranh, chuyển tranh lên mái.

Nhìn mỗi người một việc hăng say giúp mình, trên gương mặt khắc khổ của bà Quyển, nụ cười luôn hiện hữu. Đôi mắt bà đôi lúc lại long lanh nghèn nghẹn. Bà chia sẻ, từ khi tham gia CLB, bà vui vẻ hơn, được hòa mình với xã hội hơn và được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như láng giềng, bà cảm thấy tự tin hơn và có thể cùng chồng vượt qua những khó khăn cuộc sống. Hiện bà Quyển đang sống cùng chồng là ông Trương Văn Y, 77 tuổi, bị tai biến nằm liệt giường đã 5 năm nay. Bà đang nuôi một cháu họ mới học lớp 6 do bố mẹ cháu bỏ nhau rồi đi làm ăn xa. Gia đình bà thuộc hộ nghèo của thôn, nhà cửa cũ nát, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn.

Cũng giống như nhiều địa bàn miền núi khác, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều lao động di cư, đi làm ăn xa để lại con cái cho bố mẹ già chăm sóc. Đa phần các trường hợp này thu nhập thấp không chỉ không đủ tiền gửi về mà tiền tàu xe đi lại cũng khó khăn, nên thường 1, 2 năm họ mới về quê một lần. Nhiều trường hợp khi đi chưa lập gia đình, sau một thời gian ổn định gia thất họ ở lại luôn nơi làm việc. Lúc này, gánh nặng gia đình đặt cả lên vai người cao tuổi, không chỉ lo cho tuổi già của mình mà họ còn phải thay con chăm lo mọi thứ, từ ăn uống, sách vở học hành cho những đứa cháu. Đáng lẽ đến tuổi được nghỉ ngơi thì một lần nữa họ lại trở thành bố mẹ lần thứ hai. Đây thực sự là một vấn đề rất lớn không chỉ đối với địa phương mà toàn xã hội.

Một buổi sinh hoạt CLB của thôn Thung, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Help Age International (HAI)

Chị Đinh Hồng Chung, cán bộ dự án HAI cho biết, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập theo nguyên tắc 70/30/30, trong đó 70% là người cao tuổi, 30% là người trẻ tuổi, 30% là người có kinh tế khá giả, trong đó tỉ lệ nữ chiếm 70%, bởi Việt Nam có thực tế nữ hóa dân số già, nên phụ nữ luôn là đối tượng cần được ưu tiên hơn. Với 8 mảng hoạt động mang tính hợp lực: Chăm sóc sức khỏe; tăng thu nhập; quyền và lợi ích; chăm sóc tại nhà; vận động nguồn lực; truyền thông nâng cao nhận thức; văn hóa văn nghệ, thăm hỏi giao lưu, trong một buổi sinh hoạt các thành viên sẽ được đáp ứng đa dạng các nhu cầu.

Sinh hoạt CLB giúp các thành viên vui vẻ, phấn khởi; được tiếp cận vốn vay, sản xuất nhỏ phù hợp với điều kiện sức khỏe và nhân lực, tăng thu nhập kinh tế. Ngoài ra, các thành viên CLB còn được chăm sóc tại nhà theo nhu cầu từng đối tượng, như phụ thêm ông bà dạy dỗ con cháu, hỗ trợ công việc sinh hoạt hàng ngày đối với những trường hợp ốm nặng. Bởi vậy, hoạt động của mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội ở địa phương, như chăm sóc người cao tuổi, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như cải thiện thu nhập, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường...

Không những vậy, nhờ được trang bị thông tin về quyền và lợi ích cùng với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo niềm tin với chính quyền địa phương, các CLB đã có vị trí, tiếng nói nhất định trong việc bàn thảo, xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển ở địa phương, trở thành một trong số rất ít cơ chế cộng đồng hiện nay có thể thúc đẩy vai trò và sự tham gia của những đối tượng dễ bị tổn thương.

Có thể nói, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình phát triển tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng nên nó thực sự bền vững. Bền vững ở góc nhìn đa chiều khi lựa chọn hội viên, ở việc trao quyền quản lý và sở hữu cho CLB đối với mọi hoạt động, ngay cả khi dự án kết thúc. Hơn thế, nguồn thu thường xuyên của CLB luôn được duy trì và đảm bảo thông qua lãi vốn vay, phí thành viên, vận động tài trợ, hoạt động chung tăng thu nhập... Bởi vậy, CLB càng hoạt động lâu năm, quỹ sẽ càng lớn, đồng nghĩa với việc, các thành viên ngày càng được hưởng nhiều hơn những lợi ích từ nhóm.

Theo Khánh Ngọc/ Baomoi.com

 

System