Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Thứ Hai, 11/10/2021 09:15 AM (GMT+7)

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái vẫn có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Với họ, con nào cũng là con và sinh con ra khỏe mạnh đã là một điều may mắn…

Con cái là món quà

Lâu nay, vợ chồng chị Đỗ Thị Xuân (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) luôn tự hào về hai cô con gái chăm ngoan. Vợ chồng chị Xuân luôn quan niệm “con cái là món quà của cha mẹ”, không quan trọng là trai hay là gái.

Gia đình làm nông nghiệp, mặc dù kinh tế không dư dả như các gia đình khác nhưng vợ chồng chị luôn cố gắng cho các con ăn học đầy đủ, nuôi dạy các con khôn lớn, tự lập. Đền đáp lại tâm sức của bố mẹ, con gái lớn đang là học sinh lớp 8, con gái út đang là học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Thượng Mỗ năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

3332_z2826721430154_cdf696e3dda78ed74836e0f7cf764b44

Hai con gái chăm ngoan là niềm tự hào của vợ chồng chị Đỗ Thị Xuân (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng).

“Ngay khi sinh các con, gia đình tôi cũng xác định là dừng lại ở con số 2 để tập trung nuôi dạy cho tốt, dù là con gái thì cũng chẳng sao. Vì nếu không lo cho con học hành đến nơi đến chốn thì càng khổ mình, khổ con. Vợ chồng tôi thật sự rất vui khi các con lớn lên khỏe mạnh, có trí thức, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Chỉ cần thế là đủ rồi”, chị Xuân nói.

Nhìn nét mặt hạnh phúc của chị Xuân khi nhắc đến hai cô con gái chăm ngoan, học giỏi là minh chứng thuyết phục thể hiện cách nghĩ đúng về chuyện sinh con một bề thời hiện đại.

Trái hẳn với quan niệm của nhiều người là “gia đình càng đông càng vui” hay phải “có nếp, có tẻ”, vợ chồng anh Vũ Đình Quyết (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cũng có hai con gái nhưng vẫn không có ý định sinh thêm con trai mà chấp nhận hài lòng với những gì mình đang có. Thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của vợ, anh Quyết cho biết bản thân luôn cảm ơn vợ vì đã sinh cho mình hai đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

“Tôi vẫn hay nói với vợ là thôi không cố sinh con trai làm gì cả. Vì thế con gái thứ hai tên là Phương Anh nhưng tôi đặt tên gọi ở nhà là "đu đủ". Tức là mình đã đủ con rồi, giờ chỉ làm sao tập trung để nuôi dạy con cho tốt. Con cái học giỏi, chăm ngoan, vợ chồng đồng thuận thì đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình rồi”, anh Quyết tâm sự.

Không phải nhà cao cửa rộng, mâm cao cỗ đầy mới hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là niềm vui và tiếng cười trong mỗi thành viên trong gia đình. Từ những câu chuyện của những gia đình sinh con “một bề” như chị Xuân, anh Quyết, có thể thấy rằng, điều quan trọng không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà đơn giản họ nghĩ rằng điều tốt hơn cả chính là việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích mới là quan trọng. Bởi gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc giúp mọi người trưởng thành. Gia đình hạnh phúc, lành mạnh mới giúp xã hội phát triển bền vững.

Nghĩ khác về chuyện sinh con “một bề”

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân La (quận Tây Hồ), ngoài gia đình anh Quyết trú tại địa bàn phường, cũng có rất nhiều gia đình ngày càng có suy nghĩ tiến bộ về chuyện lựa chọn “con trai, con gái”. Tuy nhiên, có một thực tế rằng không phải hộ gia đình sinh con một bề nào cũng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vẫn có nhiều người muốn sinh con thêm để kiếm con trai.

Trước vấn đề đó, những năm gần đây, phường đã thực hiện các biện pháp quan trọng, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, huy động Hội Người cao tuổi là những bác có uy tín, kinh nghiệm để tiếp cận, gặp gỡ các gia đình có ý định sinh nhiều con, vận động họ thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

“Nhờ sự tư vấn, tuyên truyền tích cực, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số mà nhận thức của người dân về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên. Thực tế đã chứng minh, dù sinh con một bề nhưng nhiều gia đình vẫn rất vui, rất hạnh phúc. Tuy nhiên việc thay đổi nhận thức của người dân không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến tận gia đình sinh con một bề, qua đó nhằm ổn định dân số, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn”, ông Dũng chia sẻ.

Các gia đình kể trên là 2 trong số 300 gia đình được biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số tại huyện Thường Tín, Đan Phượng và quận Tây Hồ. Đây là hoạt động thiết thực trong đợt cao điểm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) năm nay do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội phát động tổ chức.

Trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt và một tương lai tươi đẹp hơn, giúp thế giới bình đẳng. Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, thực hiện phương châm “đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái là đầu tư cho ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc”, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chuyên môn Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố Hà Nội đã và đang quan tâm thực hiện nhiều biện pháp, đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương trẻ em gái.

Để nâng cao vị thế của trẻ em gái, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: “30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch triển khai hoạt động kiểm soát tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nói chung và hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) nói riêng. Các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, tình hình dịch Covid-19 để có những biện pháp thực hiện cho phù hợp. Trong đó, nhấn mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng giải pháp cụ thể, quan tâm, chăm lo hỗ trợ các gia đình sinh hai con gái, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Ông Tạ Quang Huy cũng cho biết thêm, từ những nỗ lực chung với nhiều cố gắng nhưng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho nên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình của Thủ đô gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, chính quyền Thành phố, cơ quan chuyên môn và các địa phương nên 9 tháng đầu năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn Thành phố là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái, hoàn thành chỉ tiêu năm. Không chỉ vậy, toàn Thành phố đã xuất hiện nhiều gương điển hình thực hiện tốt chính sách dân số, quan niệm “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” đã trở nên quen thuộc với hầu hết gia đình.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...