
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, đại diện UNFPA, các Bộ/ban/ngành đoàn thể Trung ương, đại diện một số tỉnh, thành phố và đại diện các cơ quan, đơn vị làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục DS-KHHGĐ Phạm Vũ Hoàng cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2006 có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến năm 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây Nguyên là đang trong ngưỡng an toàn. Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc.
Dự báo, khoảng 140 triệu phụ nữ và trẻ em gái “không được sinh ra” do hậu quả tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đây là một dạng của bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử, đồng thời cũng phản ánh sự coi thường phụ nữ và trẻ em gái.
Trong bối cảnh internet và các thiết bị công nghệ phát triển rộng rãi như hiện nay, việc sử dụng truyền thông đa nền tảng (đa phương tiện) được đánh giá là giải pháp cơ bản và quan trọng nhằm can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề, đó là định kiến giới và tâm lý ưa thích con trai hơn con gái.
Phát biểu về tình hình thực hiện các can thiệp truyền thông nhằm giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, bà Nguyễn Phương Thuý, đại diện UNFPA đưa ra 5 khuyến nghị cho Việt Nam gồm: Truyền thông thay đổi hành vi và tâm lý ưa thích con trai, tăng giá trị trẻ em gái và bình đẳng giới; tăng cường truyền thông sáng tạo và thay đổi hành vi về chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; huy động thêm nam giới tham gia vào các chương trình truyền thông tại địa phương và nghiên cứu thêm các bằng chừng để truyền thông hiệu quả chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Trong phiên thảo luận về truyền thông sáng tạo chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện truyền thông chuyển đổi hành vi của cộng đồng về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Bà Trần Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giới thiệu một số hoạt động truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh do Bộ chủ trì, phối hợp triển khai và nhận được kết quả tích cực, cho thấy vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng được quan tâm và được truyền thông rộng rãi.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại Châu Á” do UNFPA tài trợ, nhằm góp phần triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp truyền thông về giảm thiểu MCBGTKS và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Cùng chuyên mục
Những năm qua, tình trạng tảo hôn tập trung vẫn còn xuất hiện ở một số huyện có đông đồng bào dân tộc...
Ngày tránh thai thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong...
Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt: dành1/3 số ghế trong Hạ viện và Hội đồng...
Rất nhiều chị em phụ nữ làm công tác Hội, bình đẳng giới trên địa bàn huyện miền núi, biên giới Cao Lộc...