Huyện Đakrông tăng cường truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình

Thứ Ba, 30/05/2023 09:12 AM (GMT+7)

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ ở huyện Đakrông gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần sự tiếp tục vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương trong chung tay nâng cao chất lượng dân số, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát KT-XH của địa phương.

Hướng dẫn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Đakrông cách chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Hướng dẫn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Đakrông cách chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Những ngày này, huyện Đakrông đang khẩn trương triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và xã thuộc địa bàn khó khăn năm 2023.

Trước đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dân số và Phát triển huyện xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện chiến dịch năm 2023 tại 12/13 xã, thị trấn của huyện, trong đó chú trọng các hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch như: Họp BCĐ triển khai kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; cử cán bộ Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện hỗ trợ cho cán bộ xã trong quá trình tổ chức thực hiện chiến dịch. Chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, phương tiện tránh thai đảm bảo cho chiến dịch.

Xã Đakrông là một trong những địa phương có tỉ lệ sinh con thứ 3 cao được chọn làm điểm tổ chức chiến dịch đợt 1. Ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch, đông đảo người dân đã tích cực đến Trạm Y tế xã từ sớm để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS).

Chị Hồ Thị Hà, 40 tuổi ở thôn Xa Lăng có 5 người con, hiện chị đang mang thai lần thứ 6 cho biết: “Do nhận thức của vợ chồng tôi hạn chế nên đẻ nhiều. Giờ tôi thấy con đông rất vất vả, nghèo đói. Các con gầy yếu, thiếu thốn đủ đường. Bản thân tôi sức khỏe xuống hẳn. Hôm nay tôi đến đây để được tư vấn, sàng lọc trước sinh, chăm sóc thai, mong con được sinh ra khỏe mạnh. Sau đợt này sinh xong, tôi quyết tâm dùng biện pháp tránh thai an toàn và không đẻ nữa”.

Trường hợp chị Hồ Thị Vừa, 26 tuổi ở thôn Ka Lu có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Hay tin Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức chiến dịch nên chị sắp xếp việc nhà tham gia. “Tôi thấy, phần lớn các gia đình trong xã sinh đẻ nhiều con nên rất vất vả, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của phụ nữ. Vì vậy, lần này tôi đến với chiến dịch để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt”.

Chiến dịch đợt 1 kết thúc, xã Đakrông cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra như: khám sàng lọc cho bà mẹ mang thai, tư vấn tiền hôn nhân, khám phụ khoa miễn phí và thực hiện biện pháp tránh thai.

Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Văn Chiến cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo triển khai chiến dịch đợt 2 để quyết tâm đạt, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các thôn, già làng, người có uy tín đến tận nhà vận động người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tích cực tham gia các hoạt động của chiến dịch. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương”.

Mặc dù công tác DS-KHHGĐ của huyện Đakrông đã đạt được những kết quả tích cực như: năm 2022, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 4,77% so với năm 2021; tỉ lệ thực hiện biện pháp tránh thai đạt 138% so với kế hoạch tỉnh giao, các hoạt động truyền thông về CSSKSS/ KHHGĐ được triển khai tích cực từ huyện đến cơ sở...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như: tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao (26,08%); tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số trong thời gian qua vẫn còn nhiều; mất cân bằng giới tính khi sinh (114 trẻ nam/100 trẻ nữ năm 2022); hoạt động tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân còn nhiều e ngại và chưa thật sự coi trọng; tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra.

Chính sách DS-KHHGĐ nói chung, công tác CSSKSS/KHHGĐ, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ nói riêng còn khó tiếp cận đến với người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Công tác phối kết hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể đôi lúc còn thiếu đồng bộ. Về phía người dân, trong gia đình người chồng chưa chia sẻ thực hiện KHHGĐ với người vợ. Hơn nữa, những phong tục, tập quán, suy nghĩ lạc hậu, trình độ văn hoá, thời gian sinh hoạt... cũng đã ảnh hưởng đến nhận thức chuyển đổi hành vi của người dân.

Phụ trách Phòng Dân số, Trung Tâm Y tế huyện Đakrông Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, chiến dịch lần này huyện tăng cường các hoạt động truyền thông bề nổi lẫn chiều sâu, đổi mới hình thức và nội dung truyền thông đa dạng, phong phú đối với 4 gói dịch vụ. Tập trung vận động các đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên cao như các cặp vợ chồng sinh con một bề thực hiện KHHGĐ.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại địa phương, nhất là đối với xây dựng mô hình làng (thôn) không sinh con thứ 3 trở lên và quán triệt, xử lý những đảng viên vi phạm chính sách dân số. Tập trung thực hiện mục tiêu giảm sinh, phấn đấu sớm đạt mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số.

Vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân; phụ nữ mang thai tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật trước sinh tại các xã có mức sinh cao, xã đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế hoạch DSKHHGĐ năm 2023”.

Theo Báo Quảng Trị

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...