Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Thứ Hai, 27/06/2022 03:30 PM (GMT+7)

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ, giải pháp cơ bản là “Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược,quy hoạch,kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ, giải pháp cơ bản là “Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương”.

Quá độ phát triển dân số của khu vực Đông Á diễn ra nhanh hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Phân tích của nhiều nghiên cứu chỉ ra một số nhân tố cơ bản đóng góp vào tăng trưởng của khu vực này, đó là nguồn nhân lực tốt, tăng trưởng việc làm cao, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao. Giai đoạn phát triển “thần kỳ” chứng kiến tỷ lệ chi cho giáo dục và y tế tăng lên nhanh chóng và gắn liền với chúng là sự tăng trưởng mạnh về việc làm và năng suất lao động trong các ngành dịch vụ và sản xuất, cũng như năng suất lao động của khu vực nông nghiệp (Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan Trung Quốc). Kết quả đó nhờ một phần vào sự sụt giảm của tổng tỷ suất sinh, dân số trong độ tuổi đến trường giảm nên tăng chi tiêu cho giáo dục có thể thực hiện được mà không cần phải tăng quá nhiều thuế và bản thân các hộ gia đình có thu nhập cao hơn nên cũng có khả năng chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và y tế. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách phải nắm bắt được xu hướng biến động dân số và xây dựng các chính sách nhằm tận dụng những tác động tích cực của những biến động đó đến tăng trưởng kinh tế… Đánh giá và hiểu đúng các thách thức về biến động dân số cần phải là một ưu tiên của chính phủ các nước.

Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển (ICPD) được 179 nước (trong đó có Việt Nam) thông qua năm 1994 tại Cairo đã đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết mối quan hệ giữa dân số và phát triển, trong đó giải pháp có tính tổng hợp, quan trọng nhất là “Lồng ghép đầy đủ và triệt để các biến dân số vào: Các chiến lược phát triển; xây dựng kế hoạch, chính sách; phân bổ các nguồn lực ở mọi cấp; mọi phương diện của công tác kế hoạch”. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã tuyên bố hai mục tiêu chính, cần phải đạt được trong việc lồng ghép dân số là: (1) Dân số phải được lồng ghép đầy đủ vào các kế hoạch phát triển bền vững;  (2) Các chính sách cần phải tính đến xu hướng biến đổi dân số nhằm đạt được sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, nhiều sáng kiến lồng ghép dân số và phát triển đã được các chương trình hỗ trợ quốc gia của Tổ chức Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khởi xướng. Việc lồng ghép biến dân số và phát triển có tính đặc thù, khác biệt ngay cả giữa các nước Châu Á. Philippin cũng là một trong nước có kinh nghiệm từ việc lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển. Đối với các nhà hoạch định chính sách Philippin, dân số luôn được nhấn mạnh là yếu tố then chốt trong tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, tình hình dân số của đất nước đã có những thay đổi rất cơ bản. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, năm 2006 nước ta đạt mức sinh thay thế và tiếp tục duy trì cho đến nay. Một số tỉnh, thành phố mức sinh thậm chí đã xuống khá thấp, có nguy cơ khó vực lên được như kinh nghiệm của một số nước phát triển. Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự báo sẽ kéo dài đến năm 2041, đồng thời cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 với tốc độ rất nhanh. Di cư diễn ra ngày càng phổ biến vừa mang yếu tố tích cực, vừa có những mặt hạn chế. Chất lượng dân số tuy đã được nâng lên nhưng còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tình hình dân số về quy mô, cơ cấu dân số và phân bố dân cư của các tỉnh, thành phố, khu vực rất khác nhau.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế và xã hội. Để củng cố và phát triển những thành tựu này, các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển đã nghiên cứu để hiểu rõ hơn những mối liên hệ, tác động giữa các yếu tố dân số, như quy mô, cơ cấu dân số và phân bố dân cư theo lãnh thổ, trong mối quan hệ giữa các yếu tố phát triển, như tiêu dùng, đầu tư, nguồn nhân lực.

Pháp lệnh Dân số năm 2003 (tại Khoản 3 Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác dân số và Khoản 5 Điều 30. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) đã đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức là thực hiện và chỉ đạo tổ chức “Lồng ghép các yếu tố dân số vào trong quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, việc lồng ghép các yếu tố dân số trong hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội chưa được chú trọng đúng mức. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí trong đầu tư phát triển.

Dưới đây là một số thí dụ trong lĩnh vực giáo dục:

Do mức sinh giảm, số người trong độ tuổi đi học phổ thông (từ 5-19 tuổi) giảm cả về quy mô và tỷ trọng trong dân số. Cụ thể số dân trong độ tuổi đi học phổ thông (từ 5-19 tuổi) giảm từ 26.508 nghìn người năm 1999 xuống 24.650 nghìn người năm 2009 và 22.059 nghìn người vào năm 2019; tương ứng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi học sinh phổ thông trong tổng dân số giảm từ 39,33% năm 1999 xuống 34,73% năm 2009 chỉ còn 22,93%  năm 2019.

Việc tăng tỷ lệ nhập học, có nhiều nguyên nhân nhưng về dân số, xét trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên hệ thống giáo dục phổ thông quốc gia đã giảm. Vì thế, từ năm học 2002-2003, số học sinh phổ thông (từ 6-17 tuổi) đã bắt đầu giảm: Năm 1999, cả nước 17.391 nghìn học sinh, tăng “đỉnh điểm” vào năm 2001 lên tới 17.876 nghìn, giảm xuống 17.587 năm 2009, chỉ còn 17.500 nghìn vào năm 2019.

Tương tự, các chỉ tiêu “Số lớp/1 trường”, “Số học sinh/1 trường”, “Số học sinh/1 lớp học” cũng giảm hẳn. Kết quả này tạo tiền đề thuận lợi cho việc đạt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, “Tỷ số học sinh/giáo viên” giảm sâu chưa phù hợp với trình độ phát triển và việc đào tạo dư thừa giáo viên phổ thông cũng gây nhiều hệ lụy khác. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thời điểm, cả nước đang dư thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT, trong khi đó lại “thiếu 27.554 giáo viên mầm non đứng lớp [1].

Tại cấp tỉnh, Hà Nội, năm học 2013-2014 số học sinh vào lớp 1 là 125.000 cháu, tăng 11.000 cháu so với năm 2012. Tại Vĩnh phúc, Trường tiểu học Tam đảo có 57 học sinh (trong đó tiểu học có 34, trung học cơ sở có 23). Lớp nhiều nhất cũng chỉ có 12 em (lớp 1). Lớp 4 chỉ có 4 học sinh. Hiện tại trường đang khuyết lớp 7 vì không có học sinh học (khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Điều 18 Luật Quy hoạch (2017) yêu cầu các quy hoạch phải “Đánh giá môi trường chiến lược trong lập quy hoạch” nhưng lại chưa yêu cầu đánh giá tác động của dân số, mặc dù cùng với tài nguyên, môi trường, dân số là nhân tố tác động mạnh đến sự phát triển của quốc gia.

Trong các cuộc khảo sát năm 2015 và 2018 tại 12 tỉnh, trả lời câu hỏi: Ông/Bà có biết một kế hoạch nào bị tổn thất do không chú ý đến vấn đề dân số không? Gần 32% cán bộ quản lý trả lời: “Có biết một số kế hoạch như vậy”; và hơn 20% trả lời “Có biết một kế hoạch như vậy”. Chính vì thế , 98,5% cán bộ quản lý cán bộ quản lý cho rằng “cần thiết” hoặc “rất cần thiết” đánh giá tác động của dân số khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội.

Rõ ràng, để có chính sách, kế hoạch phát triển, nhất là kế hoạch dài hạn phù hợp, hiệu quả, việc lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội là yêu cầu khách quan.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra quan điểm phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh bền vững. Một trong những giải pháp Nghị quyết đưa ra là “Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương”.

Để tạo cơ sở pháp lý lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, Luật Dân số đề ra giải pháp như sau:

Quy định nguyên tắc, đối tượng, quy trình, trách nhiệm thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số; nội dung các yếu tố dân số lồng ghép; thông tin số liệu dân số phục vụ lồng ghép; theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Giải pháp này có những ưu điểm là thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 21-NQ/TW; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương; làm căn cứ huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết đồng bộ những vấn đề về kinh tế, xã hội, dân số và môi trường trên từng địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia.

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, các cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm cần chuẩn bị điều kiện bảo đảm, trình tự thực hiện việc lồng ghép, như: cung cấp số liệu đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số chính xác phục vụ việc lồng ghép; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép cho các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương...

Có thể nói, việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp cơ bản thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, giúp đất nước thêm vững mạnh, phát triển bền vững.

-------------------

[1] Thông tin cập nhật tại Hội nghị Tổng kết năm học 2012 - 2013 và Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh thành diễn ra sáng 22/8/2013.

Phạm Thị Huyền

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....