Giới thiệu Hội thảo GCM

Thứ ba, ngày 23/11/2021 10:14 AM (GMT+7)

GIỚI THIỆU HỘI THẢO TRIỂN KHAI THỎA THUẬN TOÀN CẦU VỀ DI CƯ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỨC KHỎE NGƯỜI DI CƯ VIỆT NAM (Hà Nội, ngày 25/11/2021)

1. Bối cảnh

Trong Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư Hợp pháp, An toàn và Trật tự (GCM), các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã thống nhất các mục tiêu chung trong việc quản lí mọi khía cạnh của di cư quốc tế. GCM là thỏa thuận không ràng buộc bao gồm 23 mục tiêu nhằm quản lí di cư tốt hơn tại các cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu..

Thỏa thuận Toàn cầu này đưa ra tầm nhìn 360 độ về di cư quốc tế và thừa nhận cần có tiếp cận toàn diện để tối ưu hóa lợi ích tổng thể của di cư, đồng thời giải quyết các rủi ro và thách thức cho cá nhân và cộng đồng nước phái cử, quá cảnh và tiếp nhận. Không quốc gia nào có thể tự giải quyết những thách thức cũng như cơ hội của di cư toàn cầu này. Với cách tiếp cận toàn diện, các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho di cư an toàn, hợp pháp và trật tự, đồng thời giảm tỉ lệ và tác động tiêu cực của di cư trái phép thông qua hợp tác quốc tế và kết hợp các biện pháp được đưa ra trong Thỏa thuận Toàn cầu này.

Nhận thấy tầm quan trọng của GCM, Việt Nam cam kết thúc đẩy và thực hiện hiệp ước này. Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai GCM, Trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì việc triển khai GCM. Triển khai thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5608/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 để triển khai GCM nhằm thúc đẩy sức khỏe người di cư một cách đồng bộ trong toàn ngành y tế.

Người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của cả nước tiếp nhận và nước phái cử. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề sức khỏe của người di cư và gia đình của họ là quyền cơ bản của con người. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc sống lành mạnh cho người di cư và xã hội.

Bộ Y tế Việt Nam đã cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 được Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua vào tháng 5 năm 2017 về Tăng cường sức khỏe cho người tị nạn và người di cư. Để thực hiện Nghị quyết WHA, năm 2019, Bộ Y tế, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phối hợp thực hiện nghiên cứu Phân tích Thực trạng Sức khỏe Người di cư tại Việt Nam nhằm xác định nhu cầu, khoảng trống và ưu tiên để lập kế hoạch cho tương lai. Dựa trên các khuyến nghị từ Phân tích Thực trạng Sức khỏe Người di cư, Bộ Y tế, IOM và WHO đang xây dựng kế hoạch hành động về sức khỏe người di cư Việt Nam. Việc thực hiện kế hoạch hành động về sức khỏe người di cư sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư ở Việt Nam bằng cách đưa ra các chính sách và tạo ra các dịch vụ y tế đáp ứng được nhu cầu của người di cư.  

Để giải quyết các thách thức hiện nay về sức khỏe người di cư cần có cách tiếp cận đa ngành một cách hiệu quả. Vì vậy, tháng 5 năm 2021, Bộ Y tế đã chính thức thành lập Nhóm kỹ thuật Sức khỏe Người Di cư (MHWG), bao gồm đại diện các bộ ban ngành, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác làm việc trong lĩnh vực sức khỏe người di cư.

Theo hướng dẫn của GCM, Nghị quyết WHA, Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và MHWG, Bộ Y tế và IOM tổ chức hội thảo Triển khai Thoả thuận Toàn cầu về Di cư và Chương trình Sức khỏe Người Di cư tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội cho các cơ quan liên quan của chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các bên liên quan thảo luận về những thách thức, cách làm tốt nhất cũng như các khuyến nghị để thực hiện GCM (trong lĩnh vực y tế) và Chương trình Sức khỏe Người Di cư, đồng thời thúc đẩy hợp tác tăng cường sức khỏe người di cư tại Việt Nam.

2. Mục tiêu của Hội thảo

Giới thiệu Kế hoạch triển khai GCM của Bộ Y tế, đóng góp ý kiến vào Chương trình Sức khỏe Người Di cư tại Việt Nam và thúc đẩy sự hợp tác tiềm năng giữa các cơ quan liên quan làm việc trong lĩnh vực sức khỏe người di cư nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

3. Nội dung: Hội thảo gồm 3 phiên (chi tiết xem Chương trình) như sau:

3.1. Phiên 1: Khai mạc và Tổng quan

Sau phần phát biểu khai mạc của đại diện Bộ Y tế, Phái đoàn di cư quốc tế tại Việt Nam. Hội thảo sẽ nghe báo cáo giới thiệu về kế hoạch tổng thể của Việt Nam thực hiện GCM và kế hoạch cụ thể của Bộ Y tế thực hiện GCM. Những thông tin quan trọng về Nhóm kỹ thuật Sức khoẻ Người di cư Việt Nam cũng được giới thiệu trong phiên này.  Báo cáo đến từ đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế.

3.2. Phiên 2: Thực trạng và giải pháp đảm bảo sức khỏe người di cư  

Trong phiên này sẽ tập trung nêu lên bức tranh tổng quát về thực trạng di cư và sức khoẻ người di cư (di cư nội địa) của Việt Nam và những thách thức của vấn đề di cư. Phiên cũng tập trung thảo luận về chương trình sức khoẻ người di cư Việt Nam như một trong những hoạt động hiện thực hoá kế hoạch của Bộ Y tế trong thực hiện GCM.

Báo cáo đến từ đại diện Bộ Y tế và Chuyên gia.

3.3. Phiên 3: Tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư trong đại dịch COVID-19

Phiên này sẽ tập trung vào di cư lao động của Việt Nam ra nước ngoài trong đó có khả năng việc tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay. Báo cáo tổng quan về di cư lao động Việt Nam ra nước ngoài và Kết quả nghiên cứu Tiếp cận thông tin chính xác và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động Việt Nam di cư tại nước ngoài trong đại dịch COVID-19 sẽ được chia sẻ tại phiên này.

Phiên này cũng dành thời gian cho việc thảo luận về những khó khăn, thách thức, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị triển khai GCM & Chương trình Sức khỏe Người di cư. Báo cáo đến từ đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và IOM.

4. Cách thức tổ chức:

Hội thảo cùng lúc được diễn ra theo phương thức trực tiếp và trực tuyến. Các đại biểu, nhất là các đại biểu địa phương sẽ tham dự trực tuyến do đang trong bối cảnh dịch Covid 19.

5. Thời gian và Địa điểm:

- Thời gian: Thứ Năm, ngày 25/11/2021

- Địa điểm: Khách sạn Daewoo, 360, Kim Mã, Ngọc Khánh

6. Ngôn ngữ:  Tiếng Việt, tiếng Anh

7. Diễn giả đến từ:

 - Bộ Ngoại giao

- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

- Bộ Y tế

- Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em

- IOM

8. Thành phần tham dự

Đại biểu quốc tế:

- IOM;

- WHO;

- Đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đại biểu Việt Nam:

- Đại diện một số Vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban kinh tế Trung ương; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội LHPN; Trung ương Đoàn thanh niên CSHCM; Trung ương Hội Người cao tuổi; Trung ương Hội Nông dân; Tổng hội Y học...

- Đại diện đại diện các Vụ, đơn vị Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ;

- Một số Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội... có liên quan

- Địa phương: Sở Y tế, Chi cục Dân số địa phương.

Truyền thông: Các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội

Cùng chuyên mục