
Quảng Nam có 9 huyện miền núi với tổng diện tích tự nhiên chiếm trên 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; là địa bàn cư trú tập trung, lâu đời của nhiều thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) như: Cơ Tu, Cor, Xơ Đăng, Giẻ Triêng và một số DTTS như: Tày, Nùng, Mường… di cư từ phía Bắc vào. Đồng bào DTTS cư trú trên địa bàn 74 xã, tập trung ở 6 huyện vùng cao.
Trong giai đoạn 2010-2015, tình trạng tảo hôn tập trung ở 68 xã với 1.534 trường hợp, trong đó, huyện Nam Trà My có 277 trường hợp, Bắc Trà My 100 trường hợp, Nam Giang 278 trường hợp, Đông Giang 269 trường hợp, Phước Sơn 288 trường hợp, Tây Giang 219 trường hợp, Hiệp Đức 62 trường hợp, Núi Thành 11 trường hợp.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra những hệ lụy rất xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực của địa phương. Những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống bị ảnh hưởng xấu về sức khỏe, nguy cơ tử vong, dị tật bẩm sinh cao. Điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của xã hội do ảnh hưởng đến chất lượng dân số vùng DTTS. Trẻ sinh ra bị ảnh hưởng trí tuệ, tàn tật, khuyết tật sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, các cặp vợ trồng tảo hôn thường không được tiếp tục học hành, không được nghỉ ngơi thư giãn, không được tham gia vui chơi những hoạt động giải trí và tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật phù hợp lứa tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất. Do còn trẻ tuổi nên các cặp vợ chồng tảo hôn cũng không có khả năng kiếm sống tốt dẫn đến tỉ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao.
Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn do phong tục, tập quán, nhận thức của người đồng bào về hôn nhân, gia đình ở một số vùng, đặc biệt là vùng cao còn hạn chế. Ngoài ra, ở một số vùng, việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm là đủ. Tại nóc Xơ Rơ, thôn 8, Trà Bui đời sống của các hộ dân quá khó khăn, cha, mẹ suốt ngày đi rừng kiếm sống nên không quản lý việc học tập, cũng như quan tâm chăm sóc đến đời sống các em, dẫn đến tình trạng bỏ học ngày càng nhiều.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ về những hệ lụy nghiêm trọng của nạn tảo hôn chưa được các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên, sâu rộng. Khi để xảy ra tảo hôn, cơ quan có trách nhiệm cũng chỉ đưa ra kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm là chính, không xử lý theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Sự can thiệp của chính quyền địa phương khi xảy ra tảo hôn cũng không kiên quyết.
Nhằm đẩy lùi vấn nạn này, thời gian tới UBND huyện sẽ tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Ngoài ra, phải có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ từ chính quyền các cấp, các hội đoàn thể cho đến hộ gia đình. Giải pháp quan trọng hàng đầu là tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân, gia đình, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.
Cùng chuyên mục
Những năm qua, tình trạng tảo hôn tập trung vẫn còn xuất hiện ở một số huyện có đông đồng bào dân tộc...
Ngày tránh thai thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong...
Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt: dành1/3 số ghế trong Hạ viện và Hội đồng...
Rất nhiều chị em phụ nữ làm công tác Hội, bình đẳng giới trên địa bàn huyện miền núi, biên giới Cao Lộc...