Những quan niệm sai lầm về căn bệnh ung thư phổi

Thứ Tư, 12/10/2022 09:39 AM (GMT+7)

Bệnh ung thư phổi khá phổ biến nhưng vẫn còn nhiều người không hiểu rõ về căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó có những lầm tưởng phổ biến còn tồn tại lâu nay về ung thư phổi.

 Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp nhất. Theo Globocan 2020, ung thư phổi đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam năm 2020, ung thư phổi là nguyên nhân dẫn đến 23.667 số ca mắc mới (14,4%) và 20.710 ca tử vong (18%) hàng năm, đứng hàng thứ 2, chỉ sau ung thư gan.

Có nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc các bệnh ung thư phổi như thuốc lá, khói thuốc, tiền sử gia đình, bệnh về phổi, nhiễm HIV, các yếu tố rủi ro nghề nghiệp và môi trường như ô nhiễm không khí, bức xạ, khí thải diesel.

Người mắc ung thư phổi thường có các triệu chứng điển hình gồm ho dai dẳng, khó thở hoặc ho ra máu. Một số triệu chứng ít phổ biến khác như khàn giọng đau lưng, ngực hoặc vai, nhiễm trùng đường hô hấp lặp đi lặp lại, cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt, ăn mất ngon, sụt cân không rõ nguyên nhân...

Là bệnh lý thường gặp nhưng vẫn có rất nhiều hiểu lầm về ung thư phổi cần được làm rõ.

Không hút thuốc sẽ không mắc ung thư phổi

Khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, liên quan đến khoảng 80-90% trường hợp tử vong do ung thư phổi. Tuy nhiên, những người không hút thuốc cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi. Một người mắc ung thư phổi có thể do hít phải khói thuốc thụ động, tiếp xúc với radon, phơi nhiễm chất gây ung thư nghề nghiệp, bức xạ y tế, nhiễm trùng... Do đó, ngoài yếu tố hút thuốc, ung thư phổi còn xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc.

Không có biện pháp nào giúp sàng lọc ung thư phổi

Sàng lọc ung thư là biện pháp giúp phát hiện ung thư tiềm ẩn hay thương tổn tiền ung thư để điều trị sớm, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Chúng ta có những biện pháp sàng lọc rất hữu hiệu đối với một số bệnh ung thư, ví dụ khám lâm sàng và chụp X-quang tuyến vú trong sàng lọc ung thư vú, làm phiến đồ cổ tử cung trong sàng lọc ung thư cổ tử cung…

Trong bệnh lý ung thư phổi, để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi, chụp cắt lớp vi tính đa dãy liều thấp (low-dose CT scan) giúp giảm tới 20% tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.

Các trường hợp nguy cơ cao dưới đây nên sàng lọc ung thư phổi:

+ Tuổi 55-74, có thể trạng tốt và đang hút thuốc lá (hoặc mới bỏ thuốc lá chưa đến 15 năm).

+ Tiền sử hút thuốc lá lâu năm, tần suất lặp lại nhiều như một bao/ngày.

Ngoài phương án chụp CT liều thấp, tất cả phương án khác như chụp X-quang, làm xét nghiệm trên đờm, xét nghiệm các chỉ điểm ung thư trong máu… đều chưa chứng minh được lợi ích trong việc sàng lọc ung thư phổi cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

Ung thư phổi luôn gây tử vong

Đối với nhiều người, việc phát hiện ung thư phổi khiến tâm lý suy sụp và nghĩ rằng “án tử” đang tới rất gần. Thực tế không phải như vậy, ung thư phổi giai đoạn sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân không tế bào nhỏ giai đoạn IA, IB, IIA, IIB lần lượt là 85%, 72%, 65% và 56%. Ngay cả đối với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV, với những tiến bộ gần đây, nhiều người bệnh vẫn sống thêm lâu dài và có chất lượng cuộc sống tốt, ít độc tính mắc phải do điều trị.

Như vậy, ung thư phổi không phải là bản án tử dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên có thái độ bất cần, coi thường bệnh ung thư. Càng phát hiện sớm càng giúp tăng hiệu quả của điều trị.

Động "dao kéo" làm tăng nhanh di căn và dẫn đến tử vong sớm

Đây là hiểu lầm phổ biến, không chỉ gặp trong ung thư phổi mà còn trong rất nhiều bệnh lý ung thư khác. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Đối với đa số loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm.

Hậu quả của hiểu lầm này cũng rất nguy hiểm. Bệnh nhân sợ hãi, trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc nhiều nơi. Khi bệnh nặng, họ mới vào viện. Thời điểm vàng của quá trình điều trị trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật cũng mất.

Nhiều tuổi nên không điều trị được ung thư phổi

Nhiều bệnh nhân ung thư phổi lớn tuổi khá băn khoăn liệu mình có thể điều trị hay chịu đựng được các tác dụng phụ của điều trị. Yếu tố về tuổi là chưa đủ để đánh giá sức khỏe chung của một bệnh nhân. Bên cạnh tuổi, đó là thể trạng chung của bệnh nhân, khả năng hoạt động thể lực và thực hiện các sinh hoạt thường ngày, bệnh lý kèm theo...

Trong bệnh lý ung thư phổi, bên cạnh những điều trị kinh điển (phẫu thuật, hóa chất, xạ trị), với những tiến bộ gần đây về điều trị đích và miễn dịch (2 phương án điều trị toàn thân có ít tác dụng phụ và có thể điều trị trên nhóm bệnh nhân cao tuổi), các bệnh nhân lớn tuổi đừng quá lo lắng. Yếu tố tuổi tác không phải là chống chỉ định của điều trị ung thư phổi.

Để phòng tránh cũng như phát hiện sớm ung thư phổi, hãy nói không với hút thuốc lá, thực hiện sàng lọc bằng chụp cắt lớp vi tính đa dãy liều thấp đối với trường hợp nguy cơ cao. Khi được chẩn đoán ung thư phổi, các bạn hãy bình tĩnh, đừng vội suy sụp bởi ung thư không phải là án tử, rất nhiều phương án điều trị có thể giúp bạn.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...