Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững

Chủ Nhật, 27/12/2020 07:01 PM (GMT+7)

GiadinhNet – Đây là mục tiêu được đưa ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong nhân khẩu học, thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" là dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trên tổng dân số. Thời kỳ này chỉ xuất hiện duy nhất trong lịch sử phát triển dân số khi trải qua thời kỳ quá độ và sau đó không lặp lại.

Theo nghiên cứu, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Cơ hội "dân số vàng" được phát huy khi tỷ lệ lao động có việc làm cao.

Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ cơ cấu "dân số vàng". Ảnh: Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội


Năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" và kéo dài đến hiện tại khi dân số trong độ tuổi lao động ở nước ta đang chiếm khoảng 69% tổng dân số. Thời kỳ này đem đến cơ hội là nguồn lao động dồi dào, tạo ra lượng của cải vật chất lớn để tích lũy cho tương lai, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Theo TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), cơ cấu "dân số vàng" tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức. Tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhưng sẽ trở thành gánh nặng nếu quốc gia đó có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.

Trên thực tế, lực lượng lao động Việt Nam đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao do thiếu lao động có tay nghề cao, sức bền còn hạn chế, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, TS Phạm Xuân Khánh, Phụ trách Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết: Hiện nay, mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".

Hơn nữa, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Tỷ lệ lao động nông nghiệp cao trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm của thanh niên gia tăng. Mặt khác, lao động di cư thanh niên tăng nhanh song các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội liên quan còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu "dân số vàng", tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Điều này được củng cố hơn nữa trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó nêu rõ: Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược, chương trình về chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm...) hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đảm bảo mọi người lao động đều được chăm sóc sức khỏe và có sức khỏe tốt.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỉ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm.

Để đạt được các mục tiêu này, theo các chuyên gia, thời gian tới, nước ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tận dụng tối đa lợi thế của cơ cấu "dân số vàng" như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.

Tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ nâng cao tỷ lệ những người "trong độ tuổi lao động" có khả năng làm việc. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và những người "trong độ tuổi lao động" nói riêng là yêu cầu trước tiên, yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội cơ cấu "dân số vàng".

Bên cạnh đó, tạo đủ việc làm cho người "có khả năng làm việc". Nếu những người "có khả năng làm việc" lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội "dân số vàng" bị bỏ lỡ; đất nước chậm, thậm chí không thể phát triển. Vì vậy, cần tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động.

Có chính sách xuất khẩu lao động đảm bảo tạo việc làm và thu nhập cho người lao động một cách bền vững. Mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động. Tạo điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề cho phụ nữ. Thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất xã hội; cải tiến quản lý; khuyến khích mọi người làm việc có năng suất và thu nhập cao.

Ngoài ra, xây dựng xã hội học tập tích cực, đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cần tập trung đào tạo lao động có trọng điểm, chú ý đến lợi thế vùng miền. Dân số trong độ tuổi lao động phải được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Nguyễn Mai

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Gần 40% đàn ông Việt gặp vấn đề về bệnh nam khoa

GiadinhNet - Với quý ông, chứng “chưa đến chợ đã hết tiền” trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì bày tỏ trong...

Khánh Hòa: Nỗ lực chăm sóc người cao tuổi

GiadinhNet - Hiện nay, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên tại Khánh Hòa chiếm trên 10% tổng dân số và có xu...

Những người đàn ông chậm dậy thì

Lấy vợ gần 2 năm không có con, bị vợ giục, anh Thành mới đi khám. Bác sĩ cho biết, hệ sinh sản của anh vẫn như...

Cổ tử cung ngắn - nguyên nhân dễ gây sảy thai

Cổ tử cung ngắn hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý hay chuyện quan hệ vợ chồng nhưng nó...