Tại sao những người có vấn đề sức khỏe lại không muốn đi kiểm tra sức khỏe trước kết hôn?

Thứ Bảy, 25/06/2022 09:00 AM (GMT+7)

Tâm lý sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình là khó khăn lớn nhất cản trở người có vấn đề về sức khỏe tham gia kiểm tra sức khỏe trước kết hôn.

Việc khám sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện ra bệnh, tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời như bệnh HIV, viêm gan B, C hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường tình dục… Khám cơ quan sinh sản nhằm phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục; các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Trên cơ sở đó tìm các giải pháp chữa trị kịp thời các bệnh tật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc sinh đẻ của người chuẩn bị bước vào hôn nhân, chuẩn bị bước vào quá trình sinh sản để đảm bảo chất lượng giống nòi nói chung, hạnh phúc của từng cặp vợ chồng nói riêng trở nên hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, rất khó khẳng định những người có vấn đề về sức khỏe đều sẵn sàng tham gia tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn. Bởi với tâm lý mặc cảm, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân, hầu như những người đang mang căn bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh liên quan đến thụ thai, mang thai, bệnh gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thì đều không muốn đi kiểm tra sức khỏe trước kết hôn.

Do đó, tỷ lệ người bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, người bị viêm gan B, viêm gan C ở Việt Nam trở nên cao nhất trong khu vực. Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn tại Việt Nam.

Số liệu thống kê những năm gần đây của Bệnh viện Bạch Mai, sau khi khám trên 70.000 bà mẹ ở hơn 300 cộng đồng dân cư trên cả nước, cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm phụ khoa chiếm gần 90%. Trong đó, nhóm phụ nữ có thu nhập cao như giáo viên, cán bộ công chức, tỷ lệ viêm nhiễm là 70%.

5.1.2

Đây phần lớn là những căn bệnh ít biểu hiện bên ngoài, những căn bệnh khó nói, gây ảnh hưởng đến thế hệ con cái cho nên thường được giữ kín. Vì vậy, những người chẳng may mắc bệnh thường không đủ tự tin đối diện với dư luận và một nửa của mình. Ngay trong cách nghĩ hiện tại của người Việt, thì chính “một nửa khỏe mạnh” cũng khó mà bỏ qua cho cái “lỗi” của “nửa còn lại”. Chính vì vậy, việc quy định “khuyến khích” chứ không phải là “bắt buộc” phải đi khám càng khó thu hút được sự hưởng ứng đầy đủ của những người trong diện phải thực hiện.

Bảng 1.Thái độ các nhóm đối tượng với quy định “các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn, thanh niên, người chưa thành niên kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn”

Đơn vị tính: %

TT Thái độ Đối tượng
   

Cán bộ

quản lý

Người dân Cung cấp dịch vụ
1 Ủng hộ 88,1 79,1 86,3
2 Không ủng hộ 5,2 1,0 3,9
3 Khó trả lời 6,6 19,9 9,8

Nguồn: Kết quả thu thập ý kiến của các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Luật Dân số, 2015.

Trong cuộc khảo sát lấy ý kiến của các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Luật Dân số năm 2018 của Tổng cục DS-KHHGĐ, với câu hỏi “Ở địa phương ông/bà đã có ai đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn không” thì phần lớn cán bộ quản lý và người dân đều trả lời “có, nhưng không nhiều”. Đặc biệt với nhóm cán bộ quản lý thì có tới 70,3% số người được hỏi đồng ý với nội dung này.

 Bảng 2. Thực tế ở địa phương đã có người đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn

Phương án trả lời Tỷ lệ đồng ý với từng phương án (%)
  Nhóm cán bộ quản lý Nhóm người dân
Có nhiều người 8,7 15,4
Có nhưng không nhiều 70,3 57,1
Chưa có ai 5,9 7,4
Không biết 15,1 20,0

Nguồn: Kết quả thu thập ý kiến của các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Luật Dân số, 2018.

Nhìn chung, cả cán bộ quản lý và người dân đều đã nhận thức được vấn đề này. Vì vậy, trả lời câu hỏi “Nếu nhà nước khuyến khích nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi kết hôn được tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm những nội dung liên quan đến bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh liên quan đến thụ thai, mang thai, bệnh gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thì theo ông/bà, những người dân ở địa phương của ông/bà có sẵn sàng thực hiện không” thì phần lớn cán bộ quản lý, người dân, người cung cấp dịch vụ đều trả lời “có thực hiện” dù ở các mức độ khác nhau.

Bảng 3. Ý kiến của các nhóm đối tượng về việc thực hiện kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn của người dân, nếu được khuyến khích

Phương án trả lời Tỷ lệ đồng ý với từng phương án (%)
  Cán bộ quản lý Người dân Người cung cấp dịch vụ
Có, chắc chắn mọi người sẽ thực hiện 22,0 54,0 37,9
Có thể đa số sẽ thực hiện 19,5 13,1 13,6
Có người thực hiện, có người không 54,4 27,0 45,5
Có thể đa số không thực hiện 1,8 2,0 0
Hầu hết mọi người không thực hiện 2,0 3,6 3,0
Không rõ 0,3 0,4 0

Nguồn: Kết quả thu thập ý kiến của các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Luật Dân số, 2018.

+ Khó khẳng định những người có vấn đề về sức khỏe đều sẵn sàng tham gia khám sức khỏe trước khikết hôn. Qua các cuộc phỏng vấn, nhìn chung cả cán bộ quản lý, người dân và người cung cấp dịch vụ đều nhận thức rõ được lợi ích to lớn của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, nhất là đối với những người mà với sức khỏe hiện tại của họ, nếu sinh con thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con cái sau này (người có vấn đề về sức khỏe). Tuy nhiên, tất cả các nhóm đối tượng này đều chưa thể khẳng định được rằng nếu được khuyến khích thì nhóm này có sẵn sàng tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn hay không?.

Bảng 4. Trả lời của các nhóm đối tượng về khả năng đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn nếu được khuyến khích của những người có vấn đề về sức khỏe

Đơn vị tính: %

Nếu được khuyến khích những người có vấn đề về sức khỏe đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn không?

Cán bộ quản lý

Người dân Người cung cấp dịch vụ
Có, chắc chắn mọi người sẽ thực hiện 9,5 35,1 21,2
Phần lớn sẽ thực hiện 29,2 16,5 42,4
Nửa đi, nửa không 25,3 21,0 15,2
Ít người đi khám sức khỏe 27,1 16,9 18,2
Không ai đi kiểm tra sức khỏe, dù có miễn phí 2,0 3,0 3,0
Khó đánh giá 6,9 7,5 21,2

Nguồn: Kết quả thu thập ý kiến của các nhóm đối tượngbị ảnh hưởng bởi Luật Dân số, 2018.

+ Tâm lý sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình là khó khăn lớn nhất cản trở người có vấn đề về sức khỏe tham gia kiểm tra sức khỏe trước khikết hôn.

Tại sao ngay những người có vấn đề về sức khỏe lại không muốn đi kiểm tra sức khỏe trước khikết hôn, họ thường gặp những khó khăn gì? Câu hỏi này đã được cả cán bộ quản lý và người dân giải đáp với trên 50% cho rằng khó khăn lớn nhất là người dân nói chung, người có vấn đề về sức khỏe nói riêng đều có tâm lý lo sợ nếu phát hiện ra bệnh thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình.

Bảng 5. Trả lời của các nhóm đối tượng về những khó khăn của những người có vấn đề về sức khỏe đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn

Đơn vị tính: %

Khó khăn Cán bộ quản lý Người dân
Nếu phát hiện có bệnh thì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình 51,6 53,2
Luật không bắt mà chỉ vận động 36,5 23,3
Sợ chi phí tốn kém 28,1 30,2
Sợ dư luận xã hội bàn tán 25,4 23,3
Trước nay không khám sức khỏe cũng không sao 21,2 10,9
Người thân không đồng ý 7,9 4,9
Khó đánh giá 4,2 9,9

Nguồn: Kết quả thu thập ý kiến của các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Luật Dân số, 2018

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra mục tiêu, năm 2030: “70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất”. Để đạt được mục tiêu khá cao nói trên, trong thời gian tới, cần phải có chính sách phù hợp trong Luật Dân số và tập trung vượt qua các rào cản nói trên.

Do vậy, giải pháp đưa ra chính là một căn cứ quan trọng để các cơ quan, tổ chức quyết liệt vào cuộc, vận động người dân, nhất là những người có nguy cơ cao thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn để mọi trẻ được chào đời đều là những đứa trẻ khỏe mạnh, không bệnh tật bẩm sinh.

Vũ Ngọc Chương

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....