Thanh Hóa: Hội thảo tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và ở trẻ sơ sinh

Thứ Hai, 27/08/2018 12:00 AM (GMT+7)

Sáng 27/8, tại khách sạn Thiên Ý ( thành phố Thanh Hóa), Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa và các cán bộ Sở Y tế Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo nhằm cung cấp thông tin về tầm quan trọng, lợi ích của công tác tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và ở trẻ sơ sinh.

Tham dự hội thảo có ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các cán bộ của Sở Y tế, Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, bệnh viện Phụ sản, bệnh viện đa khoa cùng rất nhiều các cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương, tỉnh.

Trong suốt buổi làm việc của hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia, bác sĩ của Bộ Y tế và Tổng cục Dân số tập huấn đồng thời mang đến các thông tin trong lĩnh vực tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Thông qua hội thảo, góp phần giúp những người hoạt động trong lĩnh vực dân số cùng các đơn vị tuyên truyền, các cơ quan truyền thông có thể sớm nắm bắt về thực trạng, vai trò, ý nghĩa cũng như các lợi ích của công tác tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc khẳng định: “Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ quan trọng và cần không ngừng nâng cao. Trong những năm qua, ngành Dân số đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để có thể tập trung nâng cao sức khỏe, thể chất trong nhân dân. Chất lượng dân số mặc dù được cải thiện nhưng nhìn chung tại nhiều huyện của Thanh Hóa còn thấp, đặc biệt thể lực của người Việt Nam chưa thực sự được nâng cao, còn thấp kém so với các nước trong khu vực. Các thông số về tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi còn cao, trẻ thừa cân, rối loạn tâm lý, tự kỷ, tiểu đường có xu hướng gia tang trong một vài năm trở lại đây. Đặc biệt, công tác khám và tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ giới tiến hành bước đầu nhưng chưa mang lại nhiều hiệu quả, mỗi năm có từ 1,5-3% trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh mới sinh…

Từ năm 2000, Ủy ban Dân số - Gia đình -Trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay vào việc thực hiện thí điểm việc tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh, sơ sinh và xây dựng thành đề án triển khai ở các bệnh viện tuyến tính. Công tác sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh di truyền ngay trong bào thai và sơ sinh được thực hiện bước đâu đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng. Điều này giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.

"Việc triển khai nghiêm túc đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một trong những cách quan trọng để tiếp cận đúng hướng, thiết thực đem lại các kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng giống nòi trong tương lai”, Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc cho biết thêm

 

System