Thực hiện mục tiêu "Duy trì mức sinh thay thế"

Thứ Tư, 22/06/2022 05:17 PM (GMT+7)

Ổn định quy mô dân số, khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng

Mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng [1]; khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế [2]. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển; trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp [3], thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao [4] với quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của các địa phương này so với các các địa phương, khu vực khác. 

Chính sách hạn chế mức sinh kéo dài giải quyết được vấn đề quy mô nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng; chất lượng dân số bị ảnh hưởng do những người chưa có điều kiện nuôi dạy con tốt còn sinh nhiều con. Ngược lại, nếu không khống chế được quy mô dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho đảm bảo an sinh xã hội [5], tăng thu nhập bình quân trên đầu người nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Pháp lệnh Dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được “1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con. 2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định...”. Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định 07 trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con.

Quy định này của Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp khi Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 2, Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 nên cần phải ban hành Luật Dân số để quy định những nội dung liên quan đến quyền con người trong thực hiện chính sách dân số, đồng thời phù hợp với sự biến đổi của cơ cấu dân số.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng [6]: (i) một số nước chậm điều chỉnh chính sách khi mức sinh đang tiệm cận mức sinh thay thế, đã làm cho mức sinh tiếp tục giảm nhanh xuống mức rất thấp [7]; (ii) một số nước nới lỏng chính sách giảm sinh khi đạt hoặc sau khi đạt mức sinh thay thế thì mức sinh chỉ tăng thêm chút ít và chỉ tăng trong vài năm, sau đó lại giảm; (iii) khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù chi phí rất lớn, nhưng hầu như không có tác dụng làm mức sinh tăng trở lại lên mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), thậm chí là mức 1,8 con/phụ nữ [8].

Bối cảnh trên đòi hỏi phải giải có những giải pháp phù hợp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, bao gồm cả quy định về quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Bộ Y tế đề xuất 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, gồm: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Phá thai an toàn; (4) Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; (5) Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, các luật hiện hành chưa có chính sách quy định, Luật Dân số quy định chính sách “Duy trì mức sinh thay thế” nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng [9].

Mục tiêu, nội dung chính sách, giải pháp thực hiện chính sách “Duy trì mức sinh thay thế” trong đề nghị xây dựng Luật Dân số như sau:

1. Mục tiêu của chính sách

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI [10]; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng [11].

- Quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.

2. Nội dung chính sách

- Các biện pháp giảm sinh tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả tại các tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp.

- Cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

3. Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

a) Giải pháp thực hiện chính sách:

- Tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp giảm sinh, sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh cao (thực hiện cuộc vận động dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt; hỗ trợ người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện các biện pháp tránh thai; mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ tránh thai).

- Các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân nên sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp (cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình; tạo môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con, các gia đình cặp vợ chồng sinh đủ hai con).

- Các biện pháp điều chỉnh mức sinh trên phạm vi toàn quốc (phát triển dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục định hướng hôn nhân và gia đình; hỗ trợ các đối tượng thực hiện đúng chính sách dân số).

+ Quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt. Đồng thời quy định trách nhiệm tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.

b) Lý do lựa chọn giải pháp:

+ Bảo đảm đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; khắc phục được tình trạng người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

+ Tránh hệ luỵ tình trạng mức sinh xuống thấp ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và không để xảy ra tình huống mức sinh xuống thấp khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia.

+ Bảo đảm quyền con người, phù hợp với Hiến pháp; tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với các cam kết chính trị của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về dân số và phát triển.

Thực hiện giải pháp này Nhà nước sẽ phải bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho đối tượng thực hiện chính sách; thực hiện các biện pháp tăng cường trách nhiệm xã hội của người dân, quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.

-------------------

[1] Quyết định số 2019/QĐ-BYT ngày 27/4/2021 công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025.

[2] Tờ trình của Bộ Chính trị Đề án về công tác dân số trong tình hình mới (Trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII).

[3] Quyết định số 2019/QĐ-BYT: Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố.

[4] Quyết định số 2019/QĐ-BYT: Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố.

[5] Khi tăng tốc độ sinh phải đảm bảo điều kiện nuôi dạy đứa trẻ cho đến khi đủ độ tuổi lao động. Theo các nghiên cứu trên thế giới, dân số tăng 1% thì GDP phải tăng 4% mới đảm bảo mức sống và các dịch vụ xã hội vì thời gian từ khi mang thai cho tới khi tham gia thị trường lao động trung bình là 17,5 năm.

[6] Ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với mức độ sinh đẻ ngày càng giảm và hậu quả là dân số của họ già đi. 55 quốc gia đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế (2,1 con / phụ nữ) và con số này dự kiến sẽ tăng lên 120 vào năm 2050. Những xu hướng này có ý nghĩa sâu sắc đối với một loạt các chính sách kinh tế, xã hội và chăm sóc sức khỏe và các chương trình (http://esa.un.org/PopPolicy/publications.aspx).

[7] Mức sinh ở Singapore bắt đầu giảm dần trong thời gian đầu những năm 1960, đạt dưới mức thay thế vào năm 1975, sau đó tiếp tục giảm xuống mức rất thấp vào đầu những năm 2000 và ở mức rất thấp kể từ đó. Tính đến năm 2011, tổng số của Singapore tỷ suất sinh (TFR) chỉ là 1,2 lần sinh trên một phụ nữ, thấp hơn rất nhiều mức cần thiết để duy trì quy mô dân số và để giữ cân bằng cơ cấu tuổi (http://esa.un.org/PopPolicy/publications.aspx).

[8] Các chương trình hưu trí và bảo hiểm y tế quốc gia của Hàn Quốc sẽ phải chịu áp lực nặng nề khi số lượng người thụ hưởng tăng lên trong khi số lượng người đóng góp thu hẹp. Chi tiêu công xã hội, chiếm 9,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013, được dự báo sẽ tăng lên 29,0% GDP vào năm 2060. Việc tăng chi tiêu Chính phủ như vậy có thể không khả thi trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại. Chính phủ Hàn Quốc có thể không đủ khả năng tiếp tục duy trì mức sinh rất thấp (http://esa.un.org/PopPolicy/publications.aspx).

[9] Hiện nay, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm 39,4% dân số cả nước; 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chiếm 42,2% dân số cả nước; 09 tỉnh, thành phố duy trì được mức sinh thay thế.

[10] Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 21-NQ/TW.

[11] Hiện nay, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm 39,4% dân số cả nước; 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chiếm 42,2% dân số cả nước; 09 tỉnh, thành phố duy trì được mức sinh thay thế.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong tuyên truyền, vận động về công tác dân số là “Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

Lưu Trung Kiên

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....