
Hội thảo được chủ trì bởi TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, cùng sự tham dự của các đại biểu đến từ một số bộ, ngành, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đại diện Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ và các sở, ban, ngành một số tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Phạm Vũ Hoàng cho biết, nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 trong bối cảnh kinh tế xã hội chưa phát triển, thu nhập trung bình thấp, đặt ra nhiều vấn đề với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng.
Trong những năm qua, nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành, triển khai thực hiện thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến bảo vệ, chăm sóc, phát huy người cao tuổi; đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm “Xây dựng, triển khai mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ban ngày”, với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 20 % số quận/huyện thí điểm, phát triển Trung tâm và năm 2030 đạt 50%. Tính đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 1579/QĐ-TTg và triển khai đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa có tỉnh, thành phố nào đi vào triển khai thí điểm cụ thể Trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ban ngày.
Mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ban ngày được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng gia tăng ở người cao tuổi. Dự thảo mô hình khung hiện hướng đến thí điểm hai loại hình chăm sóc sức khỏe gồm: Điểm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày dành cho người cao tuổi có khả năng sống độc lập và tự chăm sóc được bản thân và Cơ sở chăm sóc sức khỏe ban ngày dành cho người cao tuổi không có khả năng sống độc lập và tự chăm sóc được bản thân. Tùy vào từng loại hình sẽ tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hoạt động chăm sóc hỗ trợ phù hợp cho người cao tuổi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn xây dựng và thí điểm Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày. Theo đó, các đại biểu đều thống nhất việc triển khai mô hình là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để thành lập và vận hành các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày một cách thiết thực, hiệu quả, cần xác định rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ quan chủ trì, quy chế hoạt động, các nguồn kinh phí cũng như chế độ đãi ngộ cho những người tham gia chăm sóc người cao tuổi. Một số đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá để xác định, phân loại rõ đối tượng thụ hưởng và đánh giá hiệu quả sau 2 năm thực hiện mô hình. Đồng thời, cần biên soạn tài liệu, giáo trình chuẩn và có sự đào tạo bài bản đối với nhân lực thực hiện các hoạt động tại cơ sở chăm sóc ban ngày. Đặc biệt, có sự kết nối với các mô hình, câu lạc bộ, cơ sở chăm sóc người cao tuổi sẵn có trên địa bàn, đảm bảo các dịch vụ chăm sóc được bao phủ một cách hợp lý đến tất cả người cao tuổi có nhu cầu.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Phạm Vũ Hoàng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết Tổng cục Dân số sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc để xây dựng dự thảo hoàn chỉnh, hướng đến đạt được các mục tiêu được đề ra trong Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 cũng như các Chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác dân số.
Cùng chuyên mục
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy...
Ngày 2/10/2023, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ quận Cầu Giấy phối hợp với trường THCS Dịch Vọng tổ chức...
Trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 197 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với...
Ngày 2/10, CARE - tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới đã ra mắt #TakeTheMic, một chiến dịch kỹ thuật số...