Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: Biện pháp góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, con sinh ra khỏe mạnh

Thứ Sáu, 24/06/2022 02:25 PM (GMT+7)

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp , từ năm 2019 đến năm 2021 số liệu đăng ký kết hôn tại Việt Nam tương ứng là 747.702 cặp, 630.498 cặp và 501.003 cặp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp[1], từ năm 2019 đến năm 2021 số liệu đăng ký kết hôn tại Việt Nam tương ứng là 747.702 cặp, 630.498 cặp và 501.003 cặp. Tính trung bình 03 năm 2019-2021, số cặp đăng ký kết hôn là 626.401 cặp, tức khoảng 1,3 triệu người đăng ký kết hôn[2].

Việc khám sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện ra bệnh, tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời như bệnh HIV, viêm gan B, C hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường tình dục… Khám cơ quan sinh sản nhằm phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục; các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Trên cơ sở đó tìm các giải pháp chữa trị kịp thời các bệnh tật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc sinh đẻ của người chuẩn bị bước vào hôn nhân, chuẩn bị bước vào quá trình sinh sản để đảm bảo chất lượng giống nòi nói chung, hạnh phúc của từng cặp vợ chồng nói riêng trở nên hết sức cần thiết.

5.1

Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là biện pháp giúp phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, mang thai, sinh đẻ và nuôi con.

Pháp lệnh Dân số chưa quy định về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Điều 19 Luật Thanh niên quy định chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là “Bảo đảm cho thanh niên được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn”.

Tuy nhiên, việc khám sức khỏe trước kết hôn cần thực hiện như thế nào? Để người dân tự nguyện hay bắt buộc? Khám những nội dung gì? Những quy định đó có đáp ứng được mong muốn của người dân, mục tiêu của chính sách dân số hay không? Khả năng chi trả cho việc thực hiện dịch vụ? Các cơ sở y tế địa phương có khả năng đáp ứng đủ yêu cầu về mặt chuyên môn hay không?... là những vấn đề quan trọng cần được Luật Dân số điều chỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Bộ Y tế đề xuất 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, gồm: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Phá thai an toàn; (4) Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; (5) Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, các luật hiện hành đã quy định một số biện pháp nâng cao chất lượng dân số về trí tuệ, tinh thần và một số biện pháp nâng cao chất lượng dân số về thể chất. Luật Dân số quy định các chính sách “Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn” nhằm phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, mang thai, sinh đẻ và nuôi con, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, con sinh ra khỏe mạnh.

Mục tiêu, nội dung chính sách, giải pháp thực hiện chính sách “Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn” trong đề nghị xây dựng Luật Dân số như sau:

1. Mục tiêu của chính sách

Nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe để phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, mang thai, sinh đẻ và nuôi con, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, con sinh ra khỏe mạnh; đến năm 2030, 90% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng tỉ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe.

2. Nội dung chính sách

Quy định việc cung cấp thông tin, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ; các điều kiện bảo đảm thực hiện tư vấn, khám sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn.

3. Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

a) Giải pháp thực hiện chính sách:

+ Quy định nam, nữ trước khi kết hôn được cung cấp thông tin, tư vấn, khám sức khỏe; nội dung tư vấn, khám sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn; trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

+ Hỗ trợ nam, nữ chi phí thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

+ Khuyến khích phát triển, mở rộng mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

+ Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục để nam, nữ trước khi kết hôn thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

b) Lý do lựa chọn giải pháp:

Giải pháp đáp ứng được mục tiêu đề ra, giúp phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mang thai, sinh đẻ, nuôi con, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng dân số.Việc phòng ngừa từ xa tránh sinh ra con bị tàn tật sẽ giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng này.Bảo đảm thực hiện các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, nâng cao trách nhiệm của cả nam và nữ trong việc kết hôn, xây dựng gia đình hạnh phúc.Phù hợp với Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR).

Tuy nhiên, khi thực hiện giải phápnày Nhà nước phải bảo đảm nguồn ngân sáchhỗ trợ, khuyến khích phát triển, mở rộng mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

[1] Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022.

[2] Từ năm 2000 đến năm 2011 số lượng kết hôn: 7.732.685 trường hợp, tính bình quân mỗi năm có khoảng 65 vạn cặp, tức khoảng 1,3 triệu người đăng ký kết hôn.

Phạm Thị Huyền

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....