Xây dựng dự án Luật Dân số điều chỉnh toàn diện,đồng bộ các nội dung về quy mô,cơ cấu,phân bố và chất lượng DS

Thứ Tư, 22/06/2022 04:17 PM (GMT+7)

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới  (Nghị quyết số 21-NQ/TW), Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, các chính sách đề nghị trong Luật Dân số đề cập đến các nội dung về lĩnh vực dân số mà các luật chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, chưa bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Trên cơ sở 06 chính sách cơ bản đã nêu trong Tờ trình số 103/TTr-CP ngày 06/4/2018 của Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Y tế đã nghiên cứu, rà soát, bổ sung các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW và tiếp tục đề xuất 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, gồm: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Phá thai an toàn; (4) Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; (5) Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với mục tiêu tận dụng lợi thế thời kỳ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, các luật hiện hành đã quy định nhiều chính sách liên quan đến các nội dung về cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số[1], Luật Dân số bổ sung một số biện pháp phù hợp với sự biến đổi của cơ cấu dân số, đồng thời để thực hiện hiệu quả các chính sách đã được quy định.

Đối với mục tiêu phân bố dân số hợp lý, nhiều luật đã quy định những chính sách liên quan đến nội dung này[2], Luật Dân số bổ sung một số biện pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả các chính sách đã được quy định; đồng thời quy định mục tiêu này vào trong chính sách của Luật Dân số là “Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số như sau:

1. Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, các luật hiện hành chưa có chính sách quy định, Luật Dân số quy định chính sách “Duy trì mức sinh thay thế” nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng [3].

Mục tiêu của chính sách nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng [4]. Quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.

2. Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW là đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, một số luật hiện hành đã quy định một số biện pháp liên quan, tuy nhiên đây là vấn đề mang tính cấp thiết cần phải giải quyết bền vững [5], Luật Dân số quy định chính sách “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”.

Mục tiêu chính sách nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để đến năm 2030 tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống [6], tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

3. Chính sách 3: Phá thai an toàn

Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn ở vị thành niên và thanh niên, một số luật hiện hành [7] đã quy định một số nội dung liên quan đến phá thai, quyền được phá thai; tuy nhiên, còn thiếu các quy định quản lý hiệu quả dịch vụ phá thai, đồng thời giảm tỷ lệ phá thai vẫn còn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm vị thành niên, thanh niên. Luật Dân số quy định chính sách “Phá thai an toàn” nhằm quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, giảm tỷ lệ phá thai và giảm ảnh hưởng của phá thai đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng phụ nữ.

Mục tiêu của chính sách nhằm Quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, đặc biệt là phá thai ở vị thành niên và thanh niên nhằm giảm tỉ lệ phá thai, phá thai không an toàn, hạn chế các tác nhân có hại đối với sức khỏe phụ nữ, góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến năm 2030, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn và tiếp tục giảm dần sau năm 2030 [8]. 

4. Chính sách 4: Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW về nâng cao chất lượng dân số, các luật hiện hành đã quy định một số biện pháp nâng cao chất lượng dân số về trí tuệ, tinh thần và một số biện pháp nâng cao chất lượng dân số về thể chất. Luật Dân số quy định các chính sách “Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh” nhằm giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị bệnh, tật bẩm sinh, giảm gánh nặng của Nhà nước, gia đình trong việc điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng này.

Mục tiêu của chính sách là phụ nữ mang thai, trẻ em được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số; đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất [9], tăng tỉ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

5. Chính sách 5: Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW về nâng cao chất lượng dân số, các luật hiện hành đã quy định một số biện pháp nâng cao chất lượng dân số về trí tuệ, tinh thần và một số biện pháp nâng cao chất lượng dân số về thể chất. Luật Dân số quy định các chính sách “Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn” nhằm phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, mang thai, sinh đẻ và nuôi con, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, con sinh ra khỏe mạnh.

Mục tiêu của chính sách là nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe để phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, mang thai, sinh đẻ và nuôi con, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, con sinh ra khỏe mạnh; đến năm 2030, 90% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng tỉ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe. 

6. Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW là bảo đảm mối quan hệ tác động qua lại giữa các vấn đề dân số với phát triển kinh tế - xã hội, cần phải quy định thực hiện việc lồng ghép các yếu tố dân số (quy mô, cơ cấu) trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Tuy nhiên hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật về việc lồng ghép này. Luật Dân số quy định chính sách “Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Mục tiêu của chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý để lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội [10]. 

-------------------

[1] Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Thanh niên,  Luật Việc làm, Luật Khoa học công nghệ, Luật Người cao tuổi, Luật Xây dựng...

[2] Luật Cư trú; Luật Quy hoạch; Luật Quy hoạch đô thị...

[3] Hiện nay, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm 39,4% dân số cả nước; 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chiếm 42,2% dân số cả nước; 09 tỉnh, thành phố duy trì được mức sinh thay thế.

[4] Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 21-NQ/TW.

[5] Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. SRB năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2020: 112,1 bé trai/100 bé gái).

[6] Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 21-NQ/TW.

[7] Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Bình đẳng giới...

[8] Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 21-NQ/TW.

[9] Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 21-NQ/TW.

[10] Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 21-NQ/TW.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra các mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2030:

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

- Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.

- Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

- Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

- Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

- Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

- Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

- 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Lưu Trung Kiên

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....