70% người cao tuổi bị bệnh chưa tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Chủ Nhật, 27/01/2019 09:53 PM (GMT+7)

Hiện nay, chỉ có khoảng 30% người cao tuổi (NCT) khi điều trị bệnh tuân thủ các chỉ dẫn bác sĩ, trong số 70% còn lại, một nửa là làm theo ý mình, một nửa là lúc nhớ lúc quên…

 Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm ở NCT” do Tổng cục DS-KHHGĐ, Báo Gia đình & Xã hội tổ chức ngày 7/11.

Chỉ đi khám và điều trị khi có bệnh

Empty

Đề cập đến thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta hiện nay, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh – Trưởng Khoa Nội tiết – Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết, từ xưa đến nay người Việt Nam nói chung cũng như hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam đang chỉ tập trung chủ yếu vào việc chữa bệnh, tức là khi nào NCT có bệnh mới tới bệnh viện khám, chữa bệnh và điều trị.

Sau đó, NCT sẽ về nhà, không có hệ thống trung gian ở giữa để giúp cho NCT phục hồi trước khi về đến gia đình. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, đặt ra nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta hiện nay.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, trên thực tế, 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn, đại đa số trong lực lượng này sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh, thiếu thốn đủ bề từ thiếu dinh dưỡng đến dự trữ năng lượng sức khoẻ đều kém hơn nhiều so với NCT ở các nước khác.

Bên cạnh đó, NCT ở Việt Nam lại không có thói quen khám sức khoẻ định kỳ, phần vì có thể họ sống cô đơn, không có điều kiện, cũng có thể do khoảng cách đến cơ sở y tế không thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống y tế đã được cải thiện khá nhiều nhưng tư tưởng, nhận thức phải đi khám bệnh định kỳ của NCT vẫn chưa cao. Do đó, việc truyền thông để NCT hiểu, chính NCT là người đầu tiên cần phải đi khám để chăm lo cho sức khỏe của bản thân mình là điều vô cùng quan trọng.

Khoảng 30% NCT tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ

Bên cạnh việc chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ, nhiều NCT mắc bệnh lại không tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị bệnh của các bác sĩ. Cũng theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, chỉ có khoảng 30% NCT tuân thủ các chỉ dẫn bác sĩ, trong số 70% còn lại, một nửa là làm theo ý mình, một nửa là lúc nhớ lúc quên.

Empty

NCT thường bị lẫn do tuổi già, dẫn đến việc quên uống thuốc hoặc uống không đủ liều là việc hay xảy ra. PGS.TS Kim Thanh lấy ví dụ, bệnh viện bà đã từng tiếp nhận cấp cứu cho một đôi vợ chồng cao tuổi. Ông mắc bệnh tăng huyết áp, bà mắc bệnh đái tháo đường. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, nguyên nhân khiến ông bà phải nhập viện là do hai người đã uống nhầm thuốc của nhau, từ đó dẫn đến việc sốc thuốc và phải vào viện cấp cứu.

Uống thuốc theo… hàng xóm

 Một vấn đề khác được PGS.TS Kim Thanh đề cập là người Việt Nam tin người hàng xóm, người bên cạnh hơn là tin bác sĩ nên hay có kiểu dùng thuốc theo người nọ, người kia. Tuy nhiên, việc làm theo người bên cạnh rất nghiêm trọng. Bởi theo điều tra, mỗi NCT thường mắc từ 3-5 bệnh khác nhau. Nếu không cùng nền bệnh, không thể dùng thuốc một cách tùy tiện.

“Việc tự ý dùng thuốc điều trị rất thảm hoạ. Chúng tôi thường gọi là “thác bệnh lý”. Đơn cử, NCT thường dùng thuốc giảm đau, nhưng nếu dùng không đúng chỉ định sẽ rất dễ gây biến chứng xuất huyết tiêu hoá, mất nước, mất dịch, mất máu, sốc, nhồi máu đa tạng, suy dinh dưỡng, tạo ra cơn lốc bệnh nặng nề…”, PGS.TS Kim Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Chu Minh Hà – Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện E) cho rằng, sai lầm lớn nhất trong việc điều trị các bệnh của NCT chủ yếu liên quan đến việc dùng thuốc nghe truyền miệng, truyền tai nhau. Rất nhiều bệnh nhân có bệnh nhưng thay vì đến khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ lại nghe người hàng xóm “mách” dùng thuốc nọ thuốc kia.

Điều này rất nguy hiểm vì mỗi người là một cá thể riêng biệt và thể trạng bệnh cũng không giống nhau. Hơn nữa, trong các loại thuốc có rất nhiều thành phần khác nhau. Do đó, NCT cần phải đến khám để xác định bệnh gì, nguyên nhân là gì, cách xử lý như thế nào chứ không nên nghe phương pháp truyền miệng từ người khác để tránh rước họa vào người.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...