Ăn chay đúng cách giúp người cao tuổi phòng ngừa bệnh tật

Thứ Ba, 07/09/2021 09:14 AM (GMT+7)

Ăn chay đối với người cao tuổi là chế độ ăn tốt cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Nhiều người cao tuổi có ý muốn ăn chay trường, điều đó có tốt không? Bài viết của TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp cho bạn đọc những thông tin về vấn đề này.

Lợi ích của việc ăn chay đối với sức khỏe người cao tuổi

Hiện nay, có nhiều phương pháp ăn chay đang được du nhập và áp dụng tại Việt Nam. Thông thường, ăn chay là chế độ ăn thiên về tiêu thụ những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (như rau, củ, quả, các loại hạt...), không có thịt động vật.

Đầu tiên cần khẳng định, ăn chay đối với người cao tuổi cũng là một trong những chế độ ăn tốt cho sức khỏe, lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật nếu sử dụng hợp lý.

Chế độ ăn chay sẽ cung cấp nhiều chất xơ. Chất xơ trong thực phẩm chay giúp chống táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, điều hòa huyết áp, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, chống táo bón, thanh lọc cơ thể, đào thải cholesterol xấu ra bên ngoài...

Theo tuổi tác, các chức năng của cơ thể cũng bị giảm sút, trong đó có hệ tiêu hóa, nên cơ thể người cao tuổi sẽ dễ chấp nhận các món ăn giàu đạm từ thực vật như đậu phụ, đậu đỗ khác.

Ngoài các lợi ích kể trên, nhiều người cao tuổi muốn ăn chay vì hướng đến vấn đề tâm linh theo đạo Phật, không muốn sát sinh.

Người cao tuổi không nên ăn chay trường

Tuy việc ăn chay có những ưu điểm kể trên nhưng người cao tuổi không nên ăn chay trường, đặc biệt với người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính. Người cao tuổi chỉ nên thỉnh thoảng ăn chay hoặc mỗi tuần 2 ngày cho cơ thể nhẹ nhàng bởi chế độ ăn chay trường khiến cho cơ thể bị thiếu các chất dinh dưỡng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

nguoi-cao-tuoi-dai-thao-duong-nen-an-gi-va-kieng-an-gi-3-1629886612669246025560

Người cao tuổi không nên ăn chay trường, đặc biệt với người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính

Nguyên nhân của việc thiếu chất kéo dài khi áp dụng chế độ ăn chay trường vì thực phẩm ăn chay chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau, củ, quả và các loại hạt nên cơ thể bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, canxi, vitamin B12... dẫn tới thiếu máu.

Người cao tuổi vẫn cần được bổ sung các chất dinh dưỡng từ thức ăn có nguồn gốc động vật, cần cân đối tỷ lệ các thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, để cung cấp tối đa các dưỡng chất có trong nhiều nguồn thực phẩm. Vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe đối với người cao tuổi.

Các dưỡng chất cần có trong bữa ăn chay của người cao tuổi

Chế độ ăn chay chỉ có thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, không có thực phẩm động vật nên không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể người cao tuổi. Do đó, với một số người bắt buộc phải ăn chay thì cần chú ý các vấn đề sau.

Cần đa dạng nguồn thực phẩm chay khác nhau để tăng tối đa lượng dinh dưỡng cần thiết nạp vào cơ thể. Thực đơn ăn chay đơn điệu, ít loại thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài khi ăn chay trường.

Dựa vào nhu cầu khuyến nghị, mỗi người cần có một chế độ ăn riêng phù hợp với điều kiện và sở thích của mình và nên được thiết kế bởi chuyên gia dinh dưỡng.

Chất đạm:

Chất đạm chiếm 15-20% tổng năng lượng của cơ thể. Một người trưởng thành cần 50 – 60 gam protein/ ngày, tùy cân nặng và các tình trạng bệnh lý khác nhau.

Nên sử dụng sữa và trứng trong thực đơn vì trứng và sữa sẽ cung cấp chất đạm, canxi và các chất dinh dưỡng khác, để giảm thiểu tối đa tình trạng thiếu vi chất rất hay xảy ra ở người ăn chay.

Trứng nói chung và trứng gà nói riêng, là thực phẩm giàu đạm và các a xít amin quý cần thiết cho cơ thể. Người cao tuổi không nên kiêng ăn trứng, có thể ăn không quá 4 quả trứng/tuần.

Nếu người cao tuổi ăn chay không dùng sữa bò, sữa dê, có thể thay thế bằng sữa đậu nành hay sữa các loại hạt.

Chất béo:

Chất béo chiếm 20-30% tổng năng lượng cơ thể cần. Đừng nghĩ bổ sung chất béo sẽ khiến cở thể tăng cân. Người cao tuổi ăn chay không thể thiếu chất béo để nuôi dưỡng cơ thể, hỗ trợ hấp thu các dinh dưỡng khác, đặc biệt là vitamin.

Người cao tuổi nên sử dụng các a xít béo không bão hòa như dầu thực vật, mỡ cá, các hạt chứa dầu (lạc, vừng, mè, hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều…).

Chất bột đường:

Chất bột đường rất quan trọng, chiếm 50-60% tổng năng lượng. Bột đường lành mạnh có trong ngũ cốc, khoai… Lượng chất bột đường tối thiểu trong khẩu phần ăn mỗi ngày ≥ 130 g (3 lưng bát cơm + 200g trái cây/ ngày).

Vitamin và khoáng chất:Người ăn chay nếu không chú ý cân bằng dinh dưỡng thì sẽ dễ bị thiếu các chất như sắt, vitamin B12, canxi, I-ốt...

Những chất này có nhiều trong những loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, bông cải xanh, rau bina… Nên ăn khoảng 400-500 g rau củ quả và trái cây tươi mỗi ngày.

Người cao tuổi nên đi khám và tư vấn dinh dưỡng định kỳ để phát hiện sớm sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng để bổ sung kịp thời, tránh để lại hậu quả không tốt cho sức khỏe.

Ts. Bs Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Dương Thị Hồng Nhung

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...