Ấn Độ trở thành nước đông dân nhất thế giới

Thứ Năm, 13/07/2023 04:13 PM (GMT+7)

Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,42 tỷ người.

an_do

Theo đó, với đà tăng dân số như hiện tại thì Liên Hợp quốc cho biết, Ấn Độ sẽ ghi nhận con số 1,7 tỷ người vào năm 2064. Hiện tại, tính đến ngày 14/4, dân số Ấn Độ là 1 tỷ 425 triệu 782 nghìn 975 người.

Dân số đông với lực lượng lao động trẻ, dồi dào sẽ tạo ra lợi thế, nhưng cũng tạo sức ép với Ấn Độ về nguồn tài nguyên, năng lượng, lương thực, y tế và việc làm. Tuy nhiên, những thách thức mà Ấn Độ gặp phải là không nhỏ, dân số của nước này đang tăng nhanh hơn nhiều so với những gì mà thế giới có thể hình dung.

Năm 2000, các dự báo cho rằng dân số Ấn Độ sẽ chỉ có thể vượt Trung Quốc vào năm 2045. Cách đây hơn 5 năm, dự báo được rút ngắn nhưng vẫn cho rằng phải đến 2027 dân số Ấn Độ mới vượt Trung Quốc.

Theo điều tra dân số của Ấn Độ vào năm 1982, dân số quốc gia này chỉ hơn 684 triệu người, thế nhưng con số đó đã tăng hơn gấp đôi trong những thập kỷ sau đó. Ước tính, cứ 2 giây, dân số Ấn Độ lại thêm 1 người, mỗi ngày thêm gần 41 nghìn người, mỗi năm thêm khoảng 15 triệu người.

"Mỗi ngày dân số Ấn Độ lại có thêm gần 41 nghìn người, con số đó không hề nhỏ. Đó là thách thức lớn với cơ sở vật chất, hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục" - Viện Khoa học Dân số Quốc tế đưa ra nhận định.

Tỷ suất sinh hiện tại của Ấn Độ là hai lần sinh trên một phụ nữ, trong đó những bang nghèo hơn lại có tỷ lệ sinh cao nhất nước. Ấn Độ không chỉ có dân số đông dân nhất thế giới mà còn là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới. Một nửa dân số Ấn Độ hiện nay là dưới 30 tuổi, 2/3 ở độ tuổi từ 15 - 64.

Với dân số trẻ thì sẽ mang lại cho nền kinh tế những ưu thế trong cả nguồn lực sản xuất lẫn tiêu thụ hàng hóa dịch vụ và thúc đẩy đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, để giữ được tỉ lệ việc làm của nền kinh tế ở mức lành mạnh, Ấn Độ sẽ phải tạo ra tới 90 triệu việc làm mới trước năm 2030. Ngoài ra, dân số đông nhưng 45% lực lượng lao động của Ấn Độ lại đang hoạt động trong các ngành nghề chỉ đóng góp được khoảng 20% GDP cho nền kinh tế. Trong khi đó, sự đóng góp vào nền kinh tế của nữ giới, lực lượng chiếm một nửa dân số tại Ấn Độ lại đang thấp hơn khá nhiều quốc gia.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ ở thời điểm này nên tập trung nâng cao chất lượng sống của người dân để tránh dân số trở thành "quả bom hẹn giờ".

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...