Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 4/2020

Thứ Tư, 23/09/2020 02:40 PM (GMT+7)

Hội thảo lấy ý kiến đối với báo cáo đánh giá, rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực BHYT; Bộ Y tế tổ chức Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

 

Ngày 19/6/2020 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với báo cáo đánh giá, rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bảo hiểm y tế

Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế và Ông Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Tham dự Hội thảo về phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ tại khu vực miền Trung, đại diện Lãnh đạo và Chuyên viên 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đại diện các Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa.

Tại Hội thảo, Thạc sỹ Trần Ngọc Duy - Chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã giới thiệu những nội dung cơ bản của báo cáo đánh giá, rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bảo hiểm y tế. Theo đó, trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế, các thủ tục hành chính bao gồm cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, đổi thẻ bảo hiểm y tế, các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thủ tục ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lần đầu, hằng năm, thủ tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, qua đó nêu lên một số tồn tại, bất cậpcủa các thủ tục hành chính trong hệ thống văn bản QPPL quy định về bảo hiểm y tế và điều kiện triển khai thực hiện các quy định này cần được giải quyết, cụ thể là Trong trình tự cấp thẻ bảo hiểm y tế hiện nay chỉ nêu cơ quan tiếp nhận là cả cơ quan BHXH tỉnh, huyện mà không quy định rõ là đối tượng nào thì nộp ở tỉnh và đối tượng nào thì nộp ở huyện hay có thể nộp cả tỉnh và huyện? Hay thủ tục hành chính chỉ cho phép một hình thức thực hiện là nộp trực tiếp mà không cho phép thực hiện bằng các hình thức khác như nộp qua bưu điện, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 hoặc 4, gây mất thời gian, tốn kém chi phí cho người thực hiện thủ tục hành chính. Và việc triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa có ảnh là không phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tham gia bảo hiểm y tế từ đó đưa ra các kiến nghị để khắc phục các bất cập nêu trên.

Sau bài trình bày về báo cáo rà soát nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, các đại biểu tham dự cuộc họp đã có những thảo luận, đóng góp ý kiến để từ đó đề xuất các nội dung nhằm bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính có hiệu quả.

Ngày 01/7/2020, dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thanh Long –Thứtrưởng Bộ Y tế vàPGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, – Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã tổ chức Họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (Thời điểm họp GS. Long vẫn là Thứ trưởng)

Cuộc họp có sự tham gia của Thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bao gồm: Đại diện của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế Hà Nội và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Trình bày tại cuộc họp, Ông Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đại diện cho Tổ Biên tập báo cáo về các vấn đề cần xin ý kiến Ban Soạn thảo, bao gồm các nội dung về cơ quan tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, phạm vi hành nghề của người hành nghề, quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề cũng như các quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dự án Luật sửa đổi và các quy định về việc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo đã cho ý kiến góp ý và định hướng các nội dung trên. Theo đó, Gs. Ts Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng đã kết luận:

1. Việc xây dựng dự án Luật cần phải nghiên cứu, xem xét các nội dung để tiệm cận với các quy định của quốc tế, với mục tiêu nâng cao chất lượng hành nghề. Đối với các vấn đề mà Tổ biên tập xin ý kiến Ban Soạn thảo:

- Về tổ chức hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần phải được thực hiện thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ-TW là xây dựng hệ thống theo 3 cấp chuyên môn nhưng cần nghiên cứu để bảo đảm gắn với hệ thống hành chính.

- Về đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nội dung bắt buộc và dựa trên mức độ chất lượng để tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- Về người hành nghề cần năng cao năng lực hành nghề, có sự hỗ trợ từ các tuyến tạo thành nhóm làm việc hỗ trợ lẫn nhau, bác sỹ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới.

Ngoài ra, đối với người hành nghề là người nước ngoài: nếu muốn được hành nghề tại Việt Nam thì phải thi cấp chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam, nếu muốn được khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam thì bắt buộc phải biết tiếng Việt (trừ trường hợp các chuyên gia sang chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác khoa học). Trường hợp chỉ khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam thì không bắt buộc phải biết tiếng Việt.

- Vấn đề thành lập Hội đồng y khoa là bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 20, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về cách thức tổ chức nội dung thiết kế trong dự án Luật.

- Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề cần quy định thời hạn là 5 năm để phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Về khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân: Thống nhất với đề xuất của Tổ biên tập là giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ quy định về hệ thống tổ chức, đào tạo, tuyển dụng, quản lý sử dụng nhân lực phục vụ nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và nếu có tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân thì phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện chung.

2. Giao Tổ biên tập tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh dự án Luật bảo đảm trình Quốc hội đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dưới sự chủ trì của Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế, Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua và khen thưởng - Bộ Y tế và Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngày 01/7/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới - Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm đã trình bày các thông tin liên quan đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới: Tác hại và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, theo đó thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có tác hại với sức khỏe con người; 02 loại thuốc lá này có chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai; các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Do đó, thuốc lá điện tửvà thuốc lá nung nóng đều có hại cho cả người dùng và người xung quanh; trong khi đó, 02 loại thuốc lá này rất hấp dẫn với trẻ em và vị thành niên, làm tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng có nguy cơ ngộ độc không chủ ý và gây chấn thương do phát nổ bởi có rất nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau; dễ bị can thiệp thay đổi bởi người dùng và đặc biệt nguy cơ trộn lẫn ma túy; việc tiếp xúc lâu với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.

Kinh nghiệm của một số nước khu vực ASEAN trong quản lý thuốc lá thế hệ mới và khuyến cáo cho Việt Nam cũng được Th.s Đoàn Thu Huyền – Trưởng Đại diện Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc tại Việt Nam trình bày tại Hội thảo, theo đó, Quyết định được chính thức thông qua tại Hội nghị các bên của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thê giới (WHO FTCT) đã khẳng định rằng việc cấm cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là phương án chính sách phù hợp cho các quốc gia đang thực thi các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, bằng chứng từ các cơ quan quản lý y tế hàng đầu và kinh nghiệm ở các quốc gia khác (đặc biệt là Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei, Argentina) cho thấy rõ rằng việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng sẽ mang lại tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

Các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới được Th.S Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nêu ra trong Hội thảo bởi các chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ; chiến lược quảng cáo và bán hành như Giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; Sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm; Tận dụng độ tuổi trẻ của nhóm sử dụng mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok…Bán hàng trên trang thương mại điện tử; Quảng cáo ở sự kiện thể thao; In quảng cáo trên các sản phẩm hay thay đổi chiến lược kinh doanh như thay đổi nhận diện thương hiệu để thu hút giới trẻ; Tiếp tục đăng ký các sản phẩm thuốc lá (truyền thống và thuôc lá mới); Che đậy bản chất thực có hại của thuốc lá nhằm đánh lừa người sử dụng.

Thắm/Phương Liên/Đình Nam/Tiến Dương/Xuân Sơn/Trung Đoàn/Anh Tú

Trần Thu Minh