Bến Tre: Tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao chất lượng dân số

Thứ Ba, 23/08/2022 03:55 PM (GMT+7)

Chi cục DS-KHHGĐ Bến Tre đã tham mưu Sở Y tế xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các kế hoạch, đề án về tầm soát trước sinh, sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho nam nữ thanh niên; chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số (DS) từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang DS và phát triển. Công tác DS phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Theo đó, nâng cao chất lượng DS được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được ngành y tế tỉnh nhà quan tâm triển khai từ rất sớm.

Empty

Một buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Anh Kiệt

Nâng cao chất lượng dân số

Quán triệt mục tiêu nâng cao chất lượng DS về thể chất, trí tuệ tinh thần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh nói riêng, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các chương trình về tầm soát trước sinh, sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn; chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030. Bên cạnh đó, hàng năm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các kế hoạch đã phê duyệt.

Chương trình tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được triển khai tại tỉnh từ năm 2011 đến nay đã nhân rộng ra 157 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Nội dung chương trình này tập trung triển khai các hoạt động về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ DS cơ sở, đồng thời tổ chức triển khai các dịch vụ siêu âm, xét nghiệm máu bà mẹ mang thai và lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh để phát hiện sớm các tật, bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Đặc biệt trong năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức đưa 13 bác sĩ thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y  tế tuyến huyện tham gia lớp đào tạo liên tục “Siêu âm hình thái thai” tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ nhằm chuẩn bị nhân lực cho việc triển khai thực hiện dịch vụ tầm soát trước sinh cho bà mẹ mang thai tại tuyến huyện. Trong giai đoạn 2011 - 2021, toàn tỉnh có 66.928 phụ nữ mang thai được tầm soát trước sinh và 76.039 trẻ sơ sinh được tầm soát sơ sinh, trong đó đã phát hiện 37 trường hợp thai phụ có thai nhi mắc bệnh, dị tật bẩm sinh và 505 trường hợp trẻ sơ sinh mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền. Các trường hợp được phát hiện mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh qua tầm soát đều được cán bộ y tế tư vấn, khuyến cáo các giải pháp phù hợp để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai phụ và trẻ sơ sinh.

Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân từ 4 xã triển khai thí điểm ban đầu tại 2 huyện Chợ Lách và Mỏ Cày (cũ) vào năm 2004, đến nay mô hình đã được nhân rộng tại 157 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố. Hoạt động của mô hình này tập trung vào các nội dung chủ yếu như truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho nhóm vị thành niên và thanh niên thông qua các hình thức truyền thông nhóm, sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Tiền hôn nhân, hội thi. Trong giai đoạn 2004 - 2021, toàn tỉnh có trên 4.000 nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Các trường hợp được phát hiện có vấn đề về sức khỏe đều được cán bộ y tế tư vấn, khuyến cáo các giải pháp phù hợp để cải thiện sức khỏe đảm bảo cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) từ 8 xã mô hình được triển khai tại 3 huyện vào năm 2012, đến nay đã xây dựng được 48 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại 9 huyện, thành phố với các hoạt động chủ yếu: thành lập và duy trì sinh hoạt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; xây dựng mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc NCT tại nhà; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng về chăm sóc và phát huy vai trò của NCT; khám và lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ cho NCT. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức khám và lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ cho trên 16.000 NCT tại các xã mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.

Một số giải pháp trọng tâm

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án về nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Thông tư số 26/2018/TT-BTC hết hiệu lực thi hành, văn bản cho phép hỗ trợ sàng lọc sơ sinh miễn phí chưa được ban hành nên việc thực hiện các chỉ tiêu gặp khó khăn. Một số đối tượng trong diện ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn khó khăn nên tham gia sàng lọc trước sinh chưa cao. Mặc dù đã tư vấn nhưng một số đối tượng được chỉ định, yêu cầu xét nghiệm sơ sinh lần 2 không thực hiện đầy đủ với lý do gia đình đối tượng không đủ điều kiện về kinh phí khi đưa trẻ sơ sinh đến bệnh viện tuyến trên.

Empty

Khám và lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại xã Bình Phú, TP. Bến Tre. Ảnh: Anh Kiệt

Đối với các trường hợp trẻ thuộc diện miễn phí chỉ thực hiện xét nghiệm có 2 bệnh (suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD), nhưng người thân có nhu cầu xét nghiệm 3 bệnh (thêm 1 bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh) nên chuyển sang đóng phí, do đó chỉ tiêu sàng lọc miễn phí hàng năm của tỉnh đạt thấp.

Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chưa có Khoa Lão khoa, chỉ có Khoa Tim mạch - Lão học đặt tại bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu). Bên cạnh đó, số bác sĩ được đào tạo về lão khoa còn thiếu nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.

Phần lớn trạm y tế tuyến xã thiếu nguồn lực để thực hiện việc quản lý và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế. Thông tin dữ liệu về kết quả chăm sóc sức khỏe NCT còn rời rạc, chưa liên thông giữa các cấp, gây khó khăn cho đơn vị trong việc tổng hợp số liệu báo cáo.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu chương trình, đề án về nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Chi cục DS-KHHGĐ triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh sớm phê duyệt ban hành các chế độ, chính sách trong công tác DS và phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện các quy định kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát trước sinh và sơ sinh theo quy trình chuyên môn kỹ thuật hướng dẫn từ Trung ương. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối tượng chính sách theo những văn bản quy định từ Trung ương trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát trước sinh và sơ sinh.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông vận động nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các ấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về nâng cao chất lượng DS tại địa phương.

Đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông theo hướng hiện đại, đẩy mạnh tư vấn cộng đồng, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh theo danh mục một số bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản của Bộ Y tế.

Củng cố, nâng cấp các cơ sở cung cấp dịch vụ tầm soát hiện có, phát triển thêm các cơ sở cung cấp dịch vụ theo phân cấp kỹ thuật. Hình thành các cơ sở tầm soát trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực để phát hiện được dị tật, bệnh đã triển khai trong chương trình.

Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; theo dõi và quản lý đối tượng.

Thực hiện xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình theo hướng xã hội hóa; huy động toàn bộ mạng lưới y tế, DS tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

Đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, các cấp trong việc vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con nhằm nâng mức sinh của tỉnh lên 2 con/phụ nữ vào năm 2030.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...