Bình đẳng giới - Chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Thứ Bảy, 28/11/2020 05:30 PM (GMT+7)

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020: "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em".

 

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.

Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời là 13,3%.

4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.

Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.

Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình, song phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và bị bạo lực hơn, chủ yếu do nam giới gây ra. Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội, dưới nhiều hình thức khác nhau, cả về thể xác, tinh thần, kinh tế cũng như việc kiểm soát các mối quan hệ xã hội của phụ nữ và trẻ em gái.

Mặc dù bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang là hiện tượng phổ biến nhưng lại khó để phát hiện và can thiệp, xử lý, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Trước hết, đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến thể xác và tinh thần đối với phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, như mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm HIV. Những hậu quả này tác động tiêu cực đến khả năng lao động và các hoạt động kinh tế của nạn nhân bạo hành, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia.

Không những thế, bạo lực còn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của người phụ nữ ở trong gia đình và ngoài xã hội.

Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình mà đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Vì vậy, cần sớm xây dựng những giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái nói riêng và bình đẳng giới nói chung. Thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin sẵn có và dễ tiếp cận với nạn nhân của bạo lực.

Đồng thời, cần cải thiện các luật hiện hành và việc thực thi pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi bạo lực, ngược đãi phụ nữ và trẻ em gái.

Đối với công tác DS-KHHGĐ, thực hiện bình đẳng giới không chỉ giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ “MCBGTKS tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”. Từ năm 2006 đến nay, TSGTKS tại nước ta luôn ở mức trên 111 bé trai/100 bé gái ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Sự biến động theo hướng giảm xuống chỉ xảy ra rất ít vào năm 2009 với 110,5 bé trai/100 bé gái và vẫn ở mức cao so với TSGTKS tự nhiên là 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Năm 2019, tỉ số này tại Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến vấn đề MCBGTKS chính là định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái vẫn luôn tồn tại mãnh liệt trong phần lớn các cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ tại Việt Nam. Báo cáo Dân số thế giới công bố tháng 7 năm 2020 của Quỹ Dân số LHQ đã đưa việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến khắc nghiệt với con gái vì ưa thích con trai, là một trong 19 thực hành có hại vi phạm quyền con người, gây nguy hiểm đến phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới. Việc lựa chọn giới tính trước sinh cũng phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Tình trạng thừa nam thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn gây ra việc tan vỡ cấu trúc gia đình, làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng,... Bên cạnh đó, người phụ nữ không có được vị thế, không có được tiếng nói trong gia đình và xã hội, không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung. Vì thế TSGTKS còn được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới.

Tiến tới đạt được bình đẳng giới trong xã hội là việc không dễ dàng và không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng rất cần thiết phải thực hiện ngay bây giờ từ những hành động nhỏ nhất của mỗi cá nhân. Chỉ khi nào bình đẳng giới được duy trì bền vững trong đời sống xã hội thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững.

Phương Dung/Thanh Thúy/Thế Ân/Đình Nam/Tiến Dương/Thanh Huyền

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...