Bộ máy tổ chức cán bộ dân số ở tuyến tỉnh: “Báo động” ở những địa phương không đủ biên chế

Thứ Năm, 12/09/2019 06:47 AM (GMT+7)

Không chỉ bị "lấy mất" biên chế cho đơn vị khác khiến số cán bộ của Chi cục dân số không đủ mức bình quân được giao...

dan-so-00

Ổn định tổ chức bộ máy rất quan trọng với công tác dân số (trong ảnh: Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh trung học phổ thông). Ảnh: B.G

Không đủ biên chế, thiếu nhân lực, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra – Đó là một trong những vấn đề “nóng” của tổ chức bộ máy làm dân số ở tuyến tỉnh, đã được “báo động” tại hội thảo Chuyên đề công tác dân số năm 2019 do Tổng cục DS-KHHGĐ vừa tổ chức.

Có con dấu nhưng không có… tài khoản

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố tính đến thời điểm 31/5/2019, số lượng công chức làm việc tại Chi cục DS-KHHGĐ (sau khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW) có tổng số biên chế được giao của 63 Chi cục DS-KHHGĐ là 1.113 biên chế, bình quân là 17,7 biên chế/Chi cục. Tổng số người làm việc hiện có là 1.051 (trong đó có 797 công chức, 114 viên chức và 140 hợp đồng lao động), bình quân 16,7 người/Chi cục.

Ông Lê Văn Hợi, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số cho biết: Hầu hết các Chi cục Dân số đang ổn định mô hình theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hiện nay có 5 tỉnh đang dưới 10 biên chế là: Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Sơn La và Vĩnh Phúc. Trong đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La là đơn vị duy nhất có con dấu nhưng không có tài khoản. Ở Kiên Giang thì số cán bộ làm việc ở Chi cục bị điều chuyển để làm công việc khác, còn 6 cán bộ. Được biết, một số địa phương khác đã sử dụng biên chế được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ để tuyển dụng cho đơn vị khác.

Với số biên chế dưới 10 người, đặc biệt có nơi chỉ còn 6 người, rõ ràng các Chi cục trên không có được nhân lực cần thiết, tối thiểu cho hoạt động của Chi cục; gây không ít ảnh hưởng đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhất là trong tình hình công tác dân số hiện nay đang rất nhiều vấn đề nóng, đòi hỏi phải đáp ứng được nhiệm vụ, trọng trách lớn mà Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu: Chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. "Đề nghị các địa phương trên bổ sung, trả lại biên chế, đủ nhân lực cho hoạt động của các Chi cục nói trên", ông Lê Văn Hợi nói.

Chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số là không đúng chủ trương

Không chỉ bị "lấy mất" biên chế cho đơn vị khác khiến số cán bộ của Chi cục không đủ mức bình quân được giao (17 người) như 5 tỉnh nói trên, một số địa phương còn có "sáng kiến", dự định chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế.

Ví dụ tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 có hiệu lực kể từ ngày 2/8/2019, theo đó chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án chuyển Chi cục Dân số thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế, còn lại không có chủ trương sáp nhập, qua đó đã tạo tâm lý lo lắng và rất ảnh hưởng tới công việc được giao. Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế dã có công văn 4839/CV-BYT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ.

Các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên cũng đã xây dựng đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ, đến nay 2 tỉnh trên đã dừng không xây dựng đề án sáp nhập và để Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị độc lập.

Theo các chuyên gia, việc đưa Chi cục DS-KHHGĐ thành một phòng của Sở Y tế là không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, trong thời gian tới, cần giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 trước khi có những quy định mới.

Nhân sự "mỏng dần", khó giữ cán bộ, khó hoàn thành mục tiêu

Nói về vấn đề tổ chức bộ máy làm công tác dân số, GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Về mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác dân số, Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu phải "phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ". Trọng tâm của thời kỳ này là "dân số và phát triển" nhưng tổ chức bộ máy hiện nay chưa thống nhất, đang đi theo hướng tinh gọn, "y tế hóa" có thể không phù hợp với "trọng tâm công tác dân số" hiện nay.

GS.TS Nguyễn Đình Cử cũng khuyến cáo: Việc các đơn vị dân số từ Trung ương đến cơ sở trực thuộc cơ quan y tế cùng cấp, với nhân sự ngày càng "mỏng dần"; có thể quản lý các lĩnh vực mang tính chuyên môn nghiệp vụ y tế, như: KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh... nhưng khó khăn trong việc điều phối các lĩnh vực "dân số và phát triển" khác, như: Tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; di cư và phân bố dân cư hợp lý... Tổ chức bộ máy quản lý dân số thay đổi nhiều nên cán bộ không yên tâm với công việc, một số địa phương không giữ được cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác.

Nghị quyết 21-NQ/TW đã được ban hành, quan điểm chỉ đạo chỉ rõ: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững". Bên cạnh đó, mục tiêu là phải giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW rất rõ ràng, trên thực tế việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo GS Nguyễn Đình Cử, các khó khăn thách thức hiện nay là công tác truyền thông, vận động chưa có được sự chuyển hướng mạnh về dân số và phát triển, Nghị quyết 21-NQ/TW chậm được cụ thể hóa, kinh phí hoạt động cho ngành dân số giảm, mô hình tổ chức cán bộ có sự xáo trộn, thay đổi nhiều nên cán bộ không yên tâm với công việc, một số địa phương không giữ được cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác.

"Với những khó khăn, thách thức trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, nếu không có sự thay đổi, việc đạt được những mục tiêu mà nghị quyết này đề ra đến năm 2030 vẫn còn là một câu hỏi lớn. Rõ ràng, "đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp" như Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu là một đòi hỏi cấp bách hiện nay" – GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Trước thực trạng việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ, các cơ quan chuyên môn có nhiều biến động, thiếu sự đồng bộ ở các địa phương, ngày 08/5/2018, Bộ Y tế đã có văn bản số 2509/BYT-TCDS gửi Sở Y tế các tỉnh/TP và công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 03/8/2018 gửi UBND các tỉnh/thành phố về ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Theo đó Bộ Y tế đề nghị trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định để hướng dẫn tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh tỉnh/thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương đến khi có quy định mới để không ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, công chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp đó, ngày 5/12/2018, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5954/BNV-TCBC gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn thực hiện việc sáp nhập cơ cấu tổ chức tuyến huyện, thậm chí cả tuyến tỉnh như việc chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế. Điều này chưa đúng với tinh thần của các văn bản trên.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...