Bộ Y tế lập 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Ba, 01/11/2022 11:25 PM (GMT+7)

Bộ Y tế vừa thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyên môn về giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại một số tỉnh, thành phố.

 6 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế sẽ kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyên môn về giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai…

Trong ngày 1/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài và 2 bệnh viện chuyên khoa về da liễu gồm Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Da liễu Hà Nội.

5cb3c1418f3c4962102d-16672940157132084875628

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch đậu mùa khỉ tại BV Da liễu Trung ương.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước, 2 ca bệnh đã ghi nhận là từ nước ngoài trở về, tuy nhiên, hiện nay không chỉ các nước châu Âu, Mỹ ghi nhận ca bệnh mà nhiều nước trong khu vực với Việt Nam cũng đã có ca bệnh, như Australia 40 ca, New Zealand hơn 20, Thái Lan cũng ghi nhận hơn 10 ca. Do đó, nguồn bệnh xâm nhập vào nước ta từ khu vực sân bay quốc tế là rất lớn, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu vì các dấu hiệu, triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến da liễu.

Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài và Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao công tác chuẩn bị và sẵn sàng vào cuộc của các đơn vị.

Tại 2 cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu, Bộ Y tế đánh giá, mặc dù các bệnh viện gặp khó khăn do khuôn viên bệnh viện nhỏ, số lượng bệnh đông, tuy nhiên các bệnh viện cũng đã bố trí toàn bộ quy trình tiếp nhận và phân luồng sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ ngay từ ban đầu.

Đến nay, nước ta đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cả 2 ca đều là ca bệnh xâm nhập, là người Việt trở về từ Dubai.

ad3ecc4f8332456c1c23-1667293875640213772763

TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiểm tra công tác phòng chống dịch, bệnh đậu mùa khỉ tại sân bay Nội Bài.

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp sẽ triển khai trong thời gian tới như:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, hoàn thiện và triển khai kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương; đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; sẵn sàng thu dung, điều trị, phân tuyến điều trị và cách ly bệnh nhân, thực hiện tốt việc phân luồng, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương...

Đồng thời, tiếp tục cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát dịch bệnh, truyền thông nguy cơ, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn...

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Các biến chứng ở bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn, và các vấn đề về mắt. Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động khoảng 1% – 10%. Tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Đã có một số loại vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ mới được phê duyệt trong thời gian gần đây. Một số nước khuyến cáo tiêm phòng cho những người có nguy cơ. Tuy nhiên, hiện tại vắc xin phòng đậu mùa khỉ vẫn chưa được lưu hành tại Việt Nam. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và đến ngay cơ sở y tế nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...