Bộ Y tế lên tiếng về chất Axit benzoic trong tương ớt Chin-su vừa bị thu hồi

Chủ Nhật, 07/04/2019 06:37 AM (GMT+7)

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng lượng benzoic acid tiêu thụ hàng ngày nếu chỉ dừng ở mức 5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày không tác động có hại tới sức khỏe con người.

tuong-ot-chin-su

Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka (Nhật Bản) - www.city.osaka.lg.jp, hôm 2/4 cho biết Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka đã yêu cầu thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su có nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm.

Cụ thể, số tương ớt này thuộc 3 lô hàng với 757 thùng, được công ty Javis Co., Ltd (Osaka) nhập từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018, sau đó bán lại cho công ty ISC Industrial Co., Ltd (Kobe) và có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019. Nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa axit benzoic, vốn không được phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản, khi bán cho ISC.

Hình ảnh mẫu tương ớt vi phạm được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka.Hình ảnh mẫu tương ớt vi phạm được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka.

Trước đó, do nghi ngờ số tương ớt được phân phối bởi ISC Industrial vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra về lô hàng. Phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo) kết luận, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019. Trong khi đó, điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong tương ớt.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nếu một người tiêu thụ liên tục mỗi ngày 5mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể thì không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy, Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka nói nếu dùng lô tương ớt Chin-su này liên tục thì không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức. Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... Trong trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc. Tại Nhật Bản, chất này vẫn bị cấm có trong tương ớt và được xuất hiện trong bơ thực vật, xi rô, nước ngọt, nước tương.

Phản hồi về thông tin này, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Hiện đơn vị này chỉ xuất khẩu tương ớt Chin-su sang Mỹ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

"Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ", thông cáo của Masan viết.

Công ty này cũng khẳng định, axit benzoic được phép sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau tại Việt Nam. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Axit benzoic nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm được phép sử dụng cả trên bình diện quốc tế cũng như ở Việt Nam, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc. Axit benzoic có tác dụng theo cơ chế trực tiếp, phân tử Axit benzoic khuếch tán bên trong tế bào vi sinh vật sẽ tác động lên một số enzyme, gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate. Bên cạnh đó, chất axit này sẽ làm tăng nhu cầu oxy trong quá trình oxy hóa glucose, có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm”.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex) có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm. Ở Việt Nam, bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.

Nói về tác hại của loại phụ gia thực phẩm này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng chất bảo quản chắc chắn ít nhiều gây tác hại xấu đến sức khoẻ: "Tuy nhiên, ở ngưỡng có thể chấp nhận được thì không vấn đề gì”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết việc Nhật Bản thu hồi tương ớt chứa chất cấm đối với nước này là do quy định của đất nước Nhật Bản: “Không thể nói luật pháp Việt Nam cho phép thì các nước khác cũng phải công nhận, chỉ có thể trách người xuất khẩu sang bên Nhật Bản không tìm hiểu kỹ quy định, yêu cầu của nước sở tại”.

Cũng theo lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tại Việt Nam có nhiều sản phẩm cũng sử dụng chất phụ gia Axit benzoic chứ không riêng gì tương ớt.

Nói thêm với PV về Axit benzoic, kỹ sư ngành Công nghệ Hóa thực phẩm Thái Văn Đức cho biết: “Axit benzoic, Axit sorbic là chất phụ gia bảo quản thực phẩm, theo tôi được biết nhiều nước trên thế giới khuyến cáo không dùng hoặc quy định sử dụng rất nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn và quy định của mỗi nước cũng khác nhau về liều lượng sử dụng. Vì dư lượng các chất trên điều có thể gây suy gan suy thận và ung thư”.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, hiện chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su, nhưng cơ quan này cũng đang làm rõ vụ việc. Đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.

Nguyên nhân lô hàng kể trên bị thu hồi tại Nhật Bản như thông tin từ website của thành phố Osaka, Nhật Bản, nơi thu hồi tương ớt Chin-su là do sản phẩm này có chứa acid benzoic, trong khi quy định tại Nhật Bản không cho phép tương ớt được bảo quản bằng chất này.

Về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà cả VN và Nhật Bản đều là thành viên.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định liên quan đến phụ gia trong thực phẩm, hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung là như vậy nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm.

Được biết, theo Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật, benzoic acid không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Về nguy cơ nếu sử dụng phụ gia acid benzoic trong sản phẩm, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết nếu dùng quá hàm lượng cho phép và ngoài danh mục sản phẩm được phép, acid benzoic gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... ở người sử dụng.

Đại diện Cục ATTP cũng cho rằng cần phải làm rõ xem loại phụ gia này có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không.

Liên quan đến thành phần acid benzoic là lý do dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chinsu tại Nhật Bản, lãnh đạo Phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên.

Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tiêu chuẩn chung là thế nhưng trong số các thành viên của Codex có nước cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...