Bốn thách thức với dân số già ở Việt Nam

Thứ Sáu, 09/07/2021 03:45 PM (GMT+7)

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng song đứng trước nhiều thách thức do số người già tăng nhanh và đa số không có lương hưu.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Đại học Justus Liebig Giessen (Đức) vừa công bố báo cáo quốc gia Việt Nam "một xã hội đang già hóa".

GS.TS Phạm Quang Minh, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế, đồng chủ biên báo cáo, nêu bốn thách thức từ trình trạng già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất thế giới của Việt Nam.

Đầu tiên, với dự báo chỉ trong hai thập kỷ (2015-2035), tỷ trọng người già tăng từ 7% lên 14%, Việt Nam sẽ ở vào tình trạng "vàng chưa qua, già ập đến". Nghĩa là dự kiến đến năm 2035, Việt Nam mới kết thúc thời kỳ dân số vàng, nhưng từ năm 2015, tốc độ già hóa dân số đã diễn ra rất nhanh.

"Tốc độ già hóa dân số nhanh là thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng. Do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng, chúng ta phải tận dụng thời gian dân số vàng để tăng tốc phát triển, đồng thời phải dành nguồn lực để chăm sóc, đảm bảo an sinh xã hội cho người già", TS Minh nói.

175094137-502524354253027-8924-7472-3557-1619149375

GS.TS Phạm Quang Minh.

Tiếp theo, với tốc độ già hóa dân số hiện nay, Việt Nam đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già". Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống đại đa số người dân được nâng cao rõ rệt. "Nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tận dụng triệt để cơ hội và động lực của thời kỳ dân số vàng", TS Minh nhận xét và đơn cử những công nhân làm trong khu công nghiệp, mỗi tháng thu nhập trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng, "mới chỉ đủ ăn", không kịp tích lũy trước khi đến tuổi già.

Vì nhiều lý do, hiện số người già không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội ở Việt Nam rất lớn. Tính đến cuối 2020, trên toàn quốc có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong số đó, chỉ hơn 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người), tổng cộng khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng. Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.

Với những người trong độ tuổi lao động, tính đến năm 2020, mới chỉ gần 33,5% tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 32 triệu người (khoảng 66,5%) trong diện này chưa tham gia.

"Hiện nay nhà nước có chế độ trợ cấp cho người già trên 80 tuổi, nhưng số này chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số", TS Minh nói thêm.  

Thách thức thứ ba, số người già tăng nhanh và nhiều, nên khả năng chăm sóc, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng khó khăn. "Là một nước đang phát triển, chúng ta phải ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Có một thực tế là hiện số trại dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người già trên cả nước rất ít", TS Minh phân tích.

Thứ tư, rất nhiều người già ở Việt Nam đang gặp vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh không lây nhiễm. Dẫn số liệu thống kê, TS Minh nói gần 90% tỷ lệ ca tử vong ở người cao tuổi là do bệnh không lây nhiễm; khoảng 36,5% người từ 60-64 tuổi bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản. Đây đều là những bệnh đòi hỏi phải được chăm sóc y tế thường xuyên. Tuy nhiên nhiều người già thuộc diện nghèo, không có thu nhập hoặc sống phụ thuộc vào con cháu, người thân, không có khả năng chi trả viện phí.

"Câu chuyện này đặt ra thách thức khác, đó là người trẻ dành thời gian chăm sóc ông bà thì sẽ giảm bớt thời gian lao động, cống hiến cho xã hội. Tức là sức lao động của toàn xã hội có thể bị ảnh hưởng, bởi phải dành một phần nguồn lực khá lớn để chăm sóc người già", TS Minh nhìn nhận.

Theo ông, giai đoạn 2005-2035, cứ hai người trong độ tuổi lao động phải "gánh" chưa đến một người ngoài tuổi lao động. Tuy nhiên, dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động. Vì vậy, cơ hội để người trẻ tích lũy, đảm bảo thu nhập lúc về già bị ảnh hưởng; nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam "sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, ốm đau, bệnh tật".

anh10-6437-1616299061-2786-1619149375

Bà Nguyễn Thị Liệu (hơn 70 tuổi), chọn sống trong viện dưỡng lão ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội 6 năm nay, thay vì ra nước ngoài định cư cùng con gái.

Để thích nghi với thời kỳ dân số già, GS Phạm Quang Minh đề xuất các nhà làm chính sách cần đặt ra những khái niệm mới, như: Vấn đề việc làm, hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người già...

Thay vì tính đến các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp, Nhà nước cần có chiến lược tạo điều kiện cho người già có thể chủ động đảm bảo cuộc sống. "Ở các nước phát triển, người già lái taxi rất nhiều, nhưng ở Việt Nam công việc này hầu như chỉ người trẻ tuổi làm. Chúng ta có thể xây dựng chính sác để điều hướng công việc trong xã hội sao cho phù hợp", GS Minh nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Xã hội học, đề xuất Nhà nước cần có chính sách giảm tốc độ già hóa dân số bằng cách khuyến khích mức sinh, nhất là ở các đô thị đang có tình trạng mức sinh giảm sâu như TP HCM; nỗ lực tăng năng suất lao động thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, khoa học quản lý.

TS Đặng Thị Việt Phương (Viện Xã hội học) nhìn nhận "cả bốn đặc điểm nêu trên đặt ra những thách thức rất lớn đối với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, trực tiếp nhất là sự thay đổi cơ cấu và quy mô lực lượng lao động, áp lực lên hệ thống an sinh xã hội".

temp-1540-1619231217

TS Đặng Thị Việt Phương.

Để giải quyết bài toán hơn 64% người già không có lương hưu, TS Đặng Thị Việt Phương cho rằng việc "đẩy nhanh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp cần thiết và khả thi". Theo bà, thực tế có một tỷ lệ lớn người cao tuổi vẫn đang làm việc tạo thu nhập, do vậy, duy trì tuổi hưu thấp sẽ tạo ra thị trường lao động trả công thấp đối với nhóm lao động này.

"Việc kéo dài tuổi lao động sẽ giúp ổn định quy mô lực lượng lao động trong bối cảnh tốc độ già hóa đang diễn ra rất nhanh như hiện nay, đồng thời duy trì việc đảm bảo an sinh cho nhóm dân số cao tuổi phụ thuộc. Trong trung và dài hạn, việc này mở rộng cơ hội tích lũy tài chính của người lao động để chuẩn bị tốt hơn cho an sinh tuổi già", TS Phương phân tích.

Bà cũng đề xuất, để thích ứng với thời kỳ dân số già vào năm 2035, bên cạnh giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam cần có sự thay đổi trong định hướng chính sách tổng thể, coi tuổi già là một ưu thế, thay vì xem người già là nhóm yếu thế. "Từ đó, cần tính tới chính sách khuyến khích làm việc và học tập suốt đời như một giải pháp tự an sinh của người cao tuổi, giúp họ có một tuổi già khỏe mạnh, cả về vật chất lẫn tinh thần", TS Phương nói.

Theo báo cáo quốc gia Việt Nam "một xã hội đang già hóa", trong số 13,4 triệu người già, khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh; gần 46% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống.

Nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập dưới một triệu đồng mỗi người một tháng ở nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng ở thành thị), hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo.

Theo VnExpress

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...