Các bệnh rối loạn tâm thần ở người cao tuổi cần lưu ý

Thứ Năm, 25/08/2022 09:26 PM (GMT+7)

Rối loạn tâm thần (RLTT) là một nhóm các bệnh và hội chứng khởi phát ở lứa tuổi trước tuổi già (50 - 65 tuổi), hoặc tuổi già (sau 65 tuổi) tạm gọi là các bệnh tâm thần ở người cao tuổi (hoặc ở người có tuổi).

Một số bệnh rối loạn tâm thần ở người già thường gặp như:

Trầm cảm tuổi già:

Khoảng 20% người già được ghi nhận là có ít nhất một triệu chứng của trầm  cảm. Tuy vậy chỉ có 2 - 3% là có đủ các triệu chứng của trầm cảm điển hình.

Các yếu tố nguy cơ  là:  nữ  giới,  tiền sử  có bị trầm cảm lo  âu hay nhân cách  ám ảnh, đau mãn tính, các dị tật về cơ thể, các stress gần đây hoặc  các  khó khăn trong các mối quan hệ xã hội hoặc điều kiện kinh tế.

Trầm cảm có thể bị thúc đẩy bởi một số bệnh cơ thể đặc biệt (ung thư, đột quị, các bệnh thoái hoá thần kinh) hoặc dùng một số thuốc.

Nguy cơ tự sát ở nhóm người này rất cao,  đặc biệt là ở những người sống độc thân.

Đặc điểm lâm sàng gồm các biểu hiện thông thường của trầm cảm như giảm khí sắc kéo dài, mất quan tâm thích thú, lo âu hoặc kích động. Chậm chạp trong suy nghĩ và vận động, than phiền là khó tập trung và giảm trí nhớ, bi quan, chán nản, không muốn tham gia các hoạt  động xã hội, mệt mỏi, mất ngủ, ăn  mất ngon và sút cân. Các hoang tưởng nghi bệnh, bị mất cắp hay tự tội cũng thường gặp. Hiếm gặp các ảo giác, thường là các tri giác nhầm.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực:

Do rối loạn cảm xúc lưỡng cực điển hình thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hoặc trung niên, do đó hầu hết các bệnh nhân hưng cảm tuổi già thường có  những giai đoạn rối loạn cảm xúc trước đó. Tuy nhiên, hưng cảm có thể xuất hiện ở tuổi muộn, hoặc là dưới dạng một giai đoạn đơn thuần hoặc là một phần  của thể tái phát. Hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực và hưng cảm đơn cực xuất hiện sau tuổi 50 được giả định là có nguồn gốc thực tổn cho  đến  khi  chứng minh được là có nguồn gốc khác.

Các bệnh nhân hưng cảm và hưng cảm nhẹ biểu hiện điển hình là:  tăng quá mức hoạt động và tư duy dồn dập, tư duy phi tán, mất ngủ, giảm khả năng kiềm chế và kém điều chỉnh bản thân. Cảm xúc thường là dễ bị  loạn cảm hơn là khoái  cảm. Các hoang tưởng và ảo giác có thể gặp trong các trường hợp nặng. Thường thì bệnh nhân cần phải nhập viện.

Các chứng rối loạn lo âu:

Hầu hết người già đã từng bị lo âu, các rối loạn lo âu xuất hiện cấp diễn khi có các bệnh cơ thể, tang tóc, trộm cắp, các biến động trong gia đình. Các triệu chứng bao gồm mất ngủ, đau đầu, run, tim đập nhanh, đau quặn ruột, thở nhanh. Các cơn hoảng sợ dễ bị chẩn đoán nhầm là cơn đau thắt ngực  hoặc  nhồi máu cơ tim.

Các bệnh nhân lo âu đòi hỏi thời gian và sự trấn an. Các giai đoạn nhẹ thường thoái triển một cách tự phát. Các bệnh  liên quan đến sự né tránh lo âu hoặc các cơn hoảng sợ thì đòi hỏi một sự can thiệp tích cực. Các thuốc giải lo âu nên tránh nếu có thể để đề phòng việc ngã  và  sự phụ thuộc. Các chọn lựa tốt hơn bao gồm việc giải thích hợp lí, tập luyện thư giãn. 

Rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt:

Một số người già sống cô đơn thiếu lòng tin luôn tin rằng có người khác không thích mình và lợi dụng  mình. Dạng nhân cách này gây ra nhiều sự tranh cãi với gia đình, bạn bè và hàng xóm, và sự cách biệt ngày càng tăng. Trong các trường hợp nặng bệnh nhân sống trong một tình trạng bẩn thỉu, ổ chuột và từ chối sự giúp đỡ. Mô hình này có thể là biểu thị cho giai đoạn sớm nhất của rối loạn hoang tưởng. Rối loạn này là không phổ biến, phát triển trong nhiều tháng hay nhiều năm. Các hoang tưởng thường tầm thường và không hệ thống.

Các ảo giác dai dẳng kết hợp với các triệu chứng trên làm hướng tới chẩn đoán tâm thần phân liệt (TTPL).

TTPL hiếm khi xuất hiện lần đầu tiên ở lứa tuổi già.  Một  khi  đã xuất  hiện thì các căn nguyên thực tổn cần phải được xem xét. Mê  sảng,  sa sút  trí  tuệ  và  rối  loạn cảm xúc cũng cần phải chẩn đoán phân biệt.

Hầu hết người già TTPL có khởi phát  bệnh từ hàng chục năm trước. Một số vẫn còn các triệu chứng loạn thần hoạt hoá song thường là các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế như bàng quan, cùn mòn cảm  xúc,  tư  duy  nghèo  nàn  và  khả  năng điều chỉnh kém. Tính phức tạp ở các bệnh nhân cao tuổi là dễ  bị các triệu chứng phụ do các thuốc chống loạn thần gây ra, do việc sử dụng quá nhiều thứ thuốc. Việc khám xét cơ thể và các xét nghiệm cận lâm sàng thích hợp là cần thiết. 

Lạm dụng chất kích thích:

Người già và đặc biệt là phụ nữ thường hiếm khi uống rượu quá mức. Do vậy các bác sĩ thường bỏ  qua không phát hiện tình trạng lạm dụng ở người già. Một số người thường xuyên dùng rượu nặng,  trong khi một số người khác uống rượu tăng dần ở tuổi già vì các lí do buồn chán, cô đơn, lo âu và  trầm cảm. Bác sĩ thường miễn cưỡng khi hỏi các câu hỏi về thói quen uống rượu của bệnh nhân.

Ngã hoặc sảng với các triệu chứng cai có thể gợi báo cho bác sĩ nhận biết bệnh nhân có lạm dụng rượu.

Đối với người lạm dụng rượu lâu ngày vẫn có thể thuyết  phục  được để ngừng uống rượu một khi các tác dụng phụ, có  hại  xuất  hiện  một  cách  rõ  ràng. Sự cô đơn, lo âu, trầm cảm cần  được  giải  quyết  một cách trực tiếp bằng các giải  pháp  như tham dự vào một trung tâm  ban  ngày,  việc  tư  vấn  đối  với  những  người  có tang tóc, tổn thất hoặc dùng các thuốc chống trầm cảm khi có chỉ định. Lạm dụng chất trở nên nan  giải,  khó  chữa khi  đã dẫn đến rối loạn trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ,  có thể đòi hỏi phải vào viện hoặc các cơ sở chăm chữa tập trung lâu dài.

Người già là những người sử dụng benzodiazepine nhiều nhất, thường là để gây ngủ. Mất ngủ thường là hậu quả của sự buồn chán cô đơn, không hoạt động, đau, lo âu hoặc trầm cảm. Tình trạng khó  ngủ  này  điều trị bằng các loại thuốc ngủ tác dụng nhanh và sớm được cắt bỏ.

Rối loạn nhân cách:

Thuật ngữ này thường gây ra một sự hiểu lầm và chỉ nên sử dụng trong những trường hợp đặc biệt.  Các hành vi hay cáu kỉnh, thái độ hay nghi hoặc hay lệ thuộc thường phổ biến do lo âu, trầm cảm hay sa sút tâm thần. Một số ít người già luôn luôn bảo thủ, sống ẩn dật,  thô bạo hoặc chống đối xã hội. Các xu hướng đó đã có từ lúc còn trẻ và gây ra sự rối loạn các mối quan hệ công việc, các rối loạn cảm xúc, các hành vi có tính bệnh lí, bất thường, kém sự điều chỉnh.

Phải chăng các nét nhân cách “khó tính” đã bị làm trầm trọng thêm do trầm cảm, rối loạn hoang tưởng hay sa sút tâm thần.

Tránh dùng các thuốc giải lo âu bởi vì có thể dẫn đến việc lạm dụng. Nếu có thể, cần có một kế hoạch chăm sóc chi tiết với sự hợp tác của bệnh nhân.

Bệnh Pick:

Bệnh Pick là một bệnh mất trí tiến triển do thoái hoá vỏ não. Sự thoái hoá xảy ra chọn lọc ở vùng trán, thái dương và một phần thùy đỉnh với đặc tính rõ rệt qua quan sát đại thể: phần não thoái hoá trở nên  nhăn nhúm, xẹp lại; không tìm thấy các mảng tuổi già và biến đổi tổ chức sợi như trong bệnh Alzheimer (AD).

Đặc trưng lâm sàng là sa sút kèm theo các tổn thương đặc trưng của thùy trán: vô cảm, trơ như đá hoặc trái lại đùa tếu (euphoria). Người bệnh bỗng trở nên tha hoá: rượu chè, ăn trộm, trai gái... Các  dấu hiệu loạn thần rõ rệt như ảo giác, hoang tưởng rất ít gặp.

Tình trạng sa sút, tiến triển nhanh, dẫn đến mất định hướng, mất khả năng nghe, không tiếp xúc với môi trường xung quanh.

benh-roi-loan-tam-than-o-tuoi-gia-2

Mất trí do nguyên nhân mạch máu:

Trước đây gọi là mất trí do vữa xơ động mạch, mất trí do nhồi máu não rải rác. Khởi bệnh có thể là một đợt tai biến mạch não cấp diễn, đột quị. Hoặc trong tiền sử có những đợt thiếu máu cục bộ với rối loạn ý thức ngắn,  liệt nhẹ thoáng qua hoặc mất khả năng thị giác tạm thời..

Rối loạn trí nhớ và tư duy xuất hiện từ từ sau đợt thiếu máu cục bộ hoặc xuất hiện nhanh hơn sau cơn đột quị.

Chẩn đoán mất trí căn nguyên mạch máu  dựa  vào  các điểm sau:

a/ Có biểu hiện mất trí.

b/ Có các biểu hiện thần kinh khu trú.

c/ Khởi phát bệnh có thời điểm và tiển triển phụ thuộc vào tiến triển của bệnh mạch máu.

d/ Hình ảnh tổn thương não trên CT hoặc MRI.

Mất trí trong bệnh Huntington:

Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi 30 - 40, nam nữ ngang nhau. Bệnh di truyền do một gen trội duy nhất tự thân.

Biểu hiện lâm sàng sớm là các triệu chứng lo âu, trầm cảm, hoang tưởng và ảo giác. Về sau có các biểu hiện rối loạn hành vi,  nhân cách ngày càng rõ nét. Bệnh tiến triển chậm và kéo dài.

Chẩn đoán bệnh Huntington dựa vào các điểm sau:

a/ Có biểu hiện mất trí kèm theo các rối loạn vận động. 

b/ Tiền sử gia đình có bệnh Huntington.

c/ Các biểu hiện múa giật không tự chủ,  điển hình xuất hiện ở mặt, tay và ở vai. Dáng đi kiểu cứng đờ hoặc run khi vận động chủ ý xuất  hiện sớm trước khi xuất hiện sa sút rõ rệt.

Mất trí trong bệnh Parkinson:

Không phải trường hợp bệnh Parkinson nào cũng dẫn đến mất trí. Một số trường hợp có mất trí kèm theo quá trình hình thành và phát  triển bệnh Parkinson (đặc biệt là các thể bệnh nặng).

Việc phân định ranh giới giữa mất trí do Parkinson hay kết hợp với  AD hoặc mất trí mạch máu cũng gặp nhiều khó khăn trên lâm sàng.

Để chẩn đoán mất trí do bệnh Parkinson cần phải chú ý những điểm sau:

Mất trí tiến triển không hồi phục.

Hội chứng Parkinson (liệt run) biểu hiện mức độ trung bình hoặc nặng.

Loại trừ AD, bệnh mạch máu, các bệnh thực thể khác  gây mất trí (nhồi máu não, tăng huyết áp, u não, thủy thũng não, giang mai thần kinh ...).

Mất trí trong bệnh các tiểu thể Lewy:

Bệnh lí thể Lewy đã từng được coi là bệnh lí đặc trưng của bệnh Parkinson. Gần đây, người ta tìm thấy trong não các bệnh nhân này các tiểu thể Lewy và gọi là bệnh mất trí với tiểu thể Lewy. Tiểu thể Lewy là các đĩa ái toan nằm trong tế bào thần kinh với vòng  sáng nhạt bao quanh.Theo nhiều tác giả, thể Lewy tìm thấy khoảng trên 20% ở tất cả các trường hợp mất trí.

Một số tác giả đã đặt ra các tiêu chuẩn nhận dạng sau:

Suy giảm nhận thức tiến triển (giảm khả năng chú ý, thị giác, trí nhớ và các chức năng thực hiện của thùy trán).

Dao động nhận thức: ảo thị tái diễn; hội chứng Parkinson (cả hai là có khả năng, chỉ một là có thể).

Các yếu tố phù trợ: ngã, ngất, mất ý thức tạm thời, mẫn cảm với các thuốc chống loạn thần, hoang tưởng, ảo giác.

Loại trừ đột quị, bệnh thực thể khác hoặc rối loạn não.

Bệnh phổ biến ở nam giới, thường khởi phát trước tuổigià, thời  gian dẫn tới mất trí trung bình là 6 năm.

Mất trí trong bệnh Alzheimer:

Bệnh Alzheimer là một bệnh não thoái hoá nguyên phát căn nguyên chưa rõ, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi. 

Bệnh chiếm 60-70% nguyên nhân dẫn đến mất trí. Triệu chứng ban đầu phổ biến nhất là việc khó nhớ lại những sự kiện gần đây. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể gặp khó khăn về ngôn ngữ, mất phương hướng (bao gồm việc dễ đi lạc), thay đổi tâm trạng thất thường, mất động lực, bỏ bê bản thân và gặp vấn đề về hành vi. Khi tình trạng của người bệnh xấu đi, họ thường thu mình khỏi người thân và xã hội. Dần dần, người bệnh mất các chức năng của cơ thể và cuối cùng tử vong. Mặc dù tốc độ phát triển của bệnh có thể khác nhau, người bệnh thường sống thêm được từ 3 đến 9 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.

Phương Liên tổng hợp

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...