Cải thiện suy giảm thính lực ở người cao tuổi

Chủ Nhật, 23/10/2022 07:41 AM (GMT+7)

Suy giảm thính lực ở người cao tuổi thường gặp, gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Đa phần trong số họ tự thu mình lại, sống cô đơn. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh vô phương cứu chữa mà vẫn có thể được cải thiện bằng sử dụng thuốc hay một số biện pháp trợ giúp khác.

Tại Mỹ, có khoảng một phần ba người trong độ tuổi từ 65 đến 74 bị mất thính lực và gần một nửa số người trên 75 tuổi mắc chứng lãng tai. Đây là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi và cao tuổi gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng nhận thức, giao tiếp, sự an toàn và dễ dẫn đến sa sút trí tuệ.

1. Vì sao người cao tuổi bị suy giảm thính lực?

Khi tuổi trên 50, toàn bộ tai con người bị thoái triển: da ống tai ngoài dần dần bị teo, mất nước, ứ đọng dáy tai tạo thành nút dáy, màng nhĩ dày đục, mất bóng, xuất hiện các mảng xơ nhĩ, chuỗi xương con ở tai giữa bị tổn thương dạng xốp xơ, hiện tượng canxi hóa các khớp xương trong chuỗi dẫn truyền âm thanh làm suy giảm thính lực.

nghe-kem-1

Quá trình lão hóa làm tổn thương các tế bào nghe ngày càng nặng lên. Dây thần kinh thính giác và các mạch máu nuôi dưỡng cũng bị thoái hóa, kết hợp với sự đặc dần của các ống xương mà nó đi qua làm cho dây thần kinh bị chèn ép, không được nuôi dưỡng, ngày một thoái hóa dần. Mặt khác, các mạch máu trong ốc tai bị xơ cứng gây rối loạn nội dịch ở tai trong và làm ảnh hưởng tới hoạt động của ốc tai. Các nhân tố di truyền thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa chung của toàn cơ thể  gây suy giảm thính lực. Ngoài ra, sự giảm sút các hormon tuyến thượng thận và sinh dục cũng làm gia tăng suy giảm thính lực ở người cao tuổi. Nếu người cao tuổi phải làm việc hoặc sinh sống trong môi trường tiếng ồn trên 70dB làm trầm trọng thêm điếc tuổi già và điếc sẽ tiến triển nhanh hơn.

Thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, thuốc lào... nhiều năm là tác nhân của nhiều bệnh: tim mạch, ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa trên đồng thời làm nặng thêm suy giảm thính lực ở người cao tuổi. Họ cũng đồng thời sử dụng nhiều loại thuốc chữa bệnh khác trong đó có một số thuốc gây độc tai trong như các kháng sinh nhóm aminosid, các thuốc lợi tiểu (furosemid), thuốc giảm đau (aspirin), chống loạn nhịp (quinidin), thuốc hạ huyết áp (resepine). Một số người còn suy giảm thính lực do di chứng của các bệnh cũ như viêm màng não, quai bị, Zona tai...

2. Nhận biết dấu hiệu suy giảm thính lực ở người cao tuổi

- Cảm thấy khó khăn khi giao tiếp vì nghe câu được câu không.

- Hay phải hỏi lại người khác nói gì vì không nghe rõ.

- Xem ti vi hoặc nghe đài ở mức âm lượng cao, nếu hạ âm lượng xuống mức bình thường sẽ cảm thấy khó chịu vì không nghe rõ.

- Hay phải dùng các từ như: hử? hả? cái gì? gì cơ? trong khi nói chuyện.

- Khó cảm nhận được các loại âm thanh nhỏ như tiếng lá khô xào xạc, tiếng nước chảy.

- Không có khả năng nghe nếu người khác nói thì thầm.

3. Các biến chứng của bệnh suy giảm thính lực ở người cao tuổi

Suy giảm thính lực dẫn đến rất nhiều hệ luỵ cho người lớn tuổi, chẳng hạn như.

- Rối loạn chức năng nhận thức: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lãng tai ở người già có nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.

lam-the-nao-de-cai-thien-suy-giam-cac-giac-quan-o-nguoi-cao-tuoi-1

- Cô lập xã hội: Thính giác có ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, bao gồm giao tiếp, sự an toàn, tương tác xã hội. Mất thính lực có thể dẫn đến gia tăng sự cô lập với xã hội và giảm khả năng tự chủ ở người lớn tuổi. Người bệnh có thể có những tác động tiêu cực đến tâm trạng, chẳng hạn như tăng tần suất lo âu, trầm cảm và thờ ơ.

- Mất an toàn: Khả năng nghe tần số cao bị suy giảm có thể gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn, vì người lớn tuổi có thể khó phản ứng với các cảnh báo và tín hiệu, chẳng hạn như chuông cửa, chuông điện thoại, cảnh báo cháy nổ…

4. Làm thế nào để cải thiện suy giảm thính lực?

Việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi là mối quan tâm của toàn xã hội, vì thế không thể thiếu được vai trò quan trọng của việc phòng và điều trị suy giảm thính lực cho nhóm đối tượng này.

Sử dụng thuốc: Các thuốc tăng tưới máu vi mạch dọc theo dây thần kinh thính giác và tăng sử dụng ôxy ở các tế bào thần kinh (theo chỉ định của bác sĩ), sẽ giúp chậm thoái hóa của hệ thống thần kinh. Nhóm thuốc nội tiết: oestrogen với phụ nữ mãn kinh, testosterol với nam, các hormon tuyến yên... để bù lại sự thiếu hụt ở người cao tuổi, làm quá trình chuyển hóa được điều hòa, kéo dài sự bền bỉ cho dây thần kinh nghe. Nhóm vitamin như: vitamin A giúp hệ thống thần kinh chống tiếng ồn và tạo thuận lợi cho sự tái sinh của các mô liên kết nói chung cũng như của các cơ quan thính giác nói riêng; có thể kết hợp với vitamin B, E... để tăng sức căng bề mặt, chống sự ôxy hóa của các tế bào thần kinh.

Máy trợ thính: là một biện pháp quan trọng giúp cải thiện thính lực, tuy nhiên việc đeo máy trợ thính sẽ gây phiền toái nếu sử dụng không đúng chỉ định và đúng cách. Vì thế người bệnh phải đi đo cụ thể xem sức nghe của mình bị thiếu hụt là bao nhiêu? Loại tần số nào bị giảm và giảm bao nhiêu? Để có chỉ định dùng loại máy thích hợp và hiệu chỉnh máy nghe phù hợp với từng mức độ suy giảm thính lực của mình.

Cấy điện cực ốc tai: Một số người cao tuổi vẫn cần đến sức nghe để làm việc như những chính khách, nhà ngoại giao... Họ không muốn sử dụng máy trợ thính nên có thể được chỉ định cấy điện cực ốc tai. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn tuyệt đối. Mỗi ca phẫu thuật sẽ mất khoảng từ 1,5 - 2 giờ.

5. Hạn chế suy giảm thính lực ở người già 

Tuổi tác có ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác, đó là quá trình lão hoá tự nhiên. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể can thiệp nhằm cải thiện, hỗ trợ, trì hoãn các hệ luỵ mà suy giảm thính lực ở người cao tuổi gây ra. Giúp họ có thể sống vui, khoẻ, có ích hơn.

suy-giam-thi-thinh-luc-dau-hieu-canh-bao-benh-alzheimer1599006976

Một số biện pháp hỗ trợ giúp cải thiện chức năng nghe ở những đối tượng người cao tuổi bị suy giảm thính lực như:

+ Dùng máy trợ thính;

+ Phẫu thuật;

+ Cấy điện cực ốc tai;

Bên cạnh đó, việc quản lý suy giảm thính lực ở người già cũng cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác như:

+ Tai – mũi – họng;

+ Ung bướu;

+ Thần kinh;

Do đó, người già khi bị suy giảm thính lực cần đến các bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa kể trên, có thiết bị y tế hiện đại để được đánh giá chuyên sâu các vấn đề bao gồm:

+ Thính học;

+ Tai – mũi – họng;

+ Thần kinh học;

+ Lão khoa;

+ Ung thư;

+ Tâm thần;

Như vậy, suy giảm thính lực ở người cao tuổi là một vấn đề thường gặp. Nó là kết quả của quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Dĩ nhiên không phải tất cả người già đều bị suy giảm thính lực. Khi bị suy giảm thính lực, bạn hãy chủ động đi kiểm tra, điều trị để có thể làm giảm các ảnh hưởng mà bệnh gây ra với sức khỏe, từ đó giúp chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...