Cần tính đến yếu tố và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi

Thứ Sáu, 17/07/2020 12:57 PM (GMT+7)

Phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nhưng phải đối mặt với nhiều bệnh tật nhiều hơn nam giới, do đó, khi xây dựng chính sách và các dịch vụ an sinh xã hội cần tính đến đặc tính về giới.

nguoi cao tuoi nu

Ảnh minh họa.

Cụ bà cô đơn nhiều gấp hơn 5 lần cụ ông

Tại một hội thảo gần đây về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội PN phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân lo ngại: "2/3 số hội viên phụ nữ trên địa bàn phường trên 50 tuổi. Một số hội viên phụ nữ cao tuổi đang đối mặt với một số vấn đề như ở riêng, vướng bận chăm sóc con cháu, kinh tế khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo... Có người còn phải ôm lấy gánh nặng kinh tế gia đình khi các con làm ăn thất bát... Mặc dù hàng năm, Hội cũng đã phối hợp tổ chức các buổi tập huấn nâng cao sức khỏe người cao tuổi, song chỉ có một số hội viên nòng cốt tham gia. 

"Hiện tại, chỉ có một số chị em có điều kiện kinh tế ổn định mới có sự tích lũy lúc về già, và nhiệt tình tham gia các phong trào thể dục dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe, còn lại đa số không thực hiện được" – bà Liên cho biết.

Bên cạnh những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe thì một khó khăn lớn nhất có thể thấy được là đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn thấp. Có tới 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. 

Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Với sức khỏe của người cao tuổi còn nhiều hạn chế, thì việc phải sống một mình là một điều rất bất lợi với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Thời kỳ già hóa dân số đem lại những tiềm năng, bao gồm cơ hội đầu tư cho hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội, tăng cường chất lượng lao động và đem lại các lợi ích kinh tế... nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi phải có phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, tăng cường sự tương tác xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

Cần có tích lũy cho tuổi già

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay, vấn đề chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như, nhiều người cao tuổi chưa nhận thức được vấn đề tự chăm sóc bản thân. Nhiều người trẻ chưa có kỹ năng chăm sóc người già tại gia đình, các dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng còn yếu.

Chính sách và luật về người cao tuổi còn chưa đầy đủ, thiếu dữ liệu thông tin, chưa có nghiên cứu bóc tách theo độ tuổi, thiếu nghiên cứu các vấn đề của phụ nữ cao tuổi. "Nữ giới cao tuổi chiếm 58% người cao tuổi, tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới. Hơn 70% phụ nữ cao tuổi tự đánh giá sức khỏe yếu và rất yếu, phụ nữ càng cao tuổi càng gặp phải nhiều bệnh tật như huyết áp, viêm khớp, các bệnh về phổi tắc nghẽn, bệnh tim hay đục thủy tinh thể... Tỷ lệ người cao tuổi sống trong hộ nghèo tăng, trong đó đa số là nữ. Họ phải làm việc nhà, chăm sóc trẻ,... nhưng lại chưa được ghi nhận và hỗ trợ. Do đó, khi nghiên cứu và xây dựng các chính sách cần tính đến yếu tố về giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi" – bà Thủy nói.

Theo đó, tuổi thọ của nữ cao hơn nam giới, đây là nhóm người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy, có thể tham gia rất tích cực vào lực lượng lao động nếu được tạo điều kiện phù hợp. Tỷ lệ tái hôn của nữ giới ở độ tuổi cao cũng thấp hơn, do đó, các chính sách đối với người cao tuổi cần chú ý đến phụ nữ tuổi cao góa bụa...  Do số người cao tuổi ngày càng nhiều, nên nhu cầu của họ ngày càng lớn và phong phú, đa dạng từ ăn, mặc, ở, đi lại đến chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin, giao tiếp, du lịch, đời sống tâm linh...

Đáp ứng nhu cầu này, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải phù hợp với đặc điểm của người cao tuổi. Bà Thủy cho rằng, Hội PN có thể tận dụng thời cơ của già hóa dân số để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ như có thể tạo việc làm phù hợp cho phụ nữ cao tuổi, xóa bỏ các rào cản về tuổi tác đang cản trở phụ nữ cao tuổi được tiếp cận vay vốn, đào tạo nghề, tiếp cận hông tin, kiến thức về các hoạt đông tăng thu  nhập. Tăng cường các CLB, tổ nhóm phụ nữ để thu hút phụ nư cao tuổi tham gia hoạt động tình nguyện viên, đề xuất giảm tuổi được hưởng và tăng số tiền trợ cấp xã hội cho người cao tuổi...

"Bản thân người cao tuổi cần nhận thức việc tích lũy tuổi già như vận động tinh thần, tự nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, có quỹ tích lũy tuổi già từ khi còn trẻ. Đối với gia đình, cần có những hoạt động tuyên truyền , các mô hình tập huấn, lồng ghép cho các thành viên trong gia đình trong chăm sóc bố mẹ cao tuổi như các kỹ năng chăm sóc người bị biệt giường, dinh dưỡng cho người cao tuổi, tủ sách dành cho người cao tuổi, hiểu đặc điểm tâm sinh lý người cao tuổi, cách cư xử và giao tiếp với người cao tuổi" - Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam.

Theo GD&TĐ

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...