789

Chặn đứng cú sốc tâm lý cho trẻ khi nhà sắp có thêm em bé

Thứ Năm, 23/05/2019 07:44 AM (GMT+7)

Trẻ em thích được cha mẹ yêu quý và dồn hết cho mình, vì vậy chúng thường tỏ ra ghen tị khi trong nhà có thêm một thành viên mới chào đời. Vì vậy các bậc phụ huynh cần tìm cách để kiểm soát sự ghen tị khi có thể.

nha-co-them-em-be

Có thêm con là một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời người phụ nữ. Không chỉ những thói quen của mẹ bị thay đổi mà cuộc sống của cả gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là bé lớn vẫn đang trong độ tuổi bám mẹ. Vậy làm thế nào để bé biết là mẹ vẫn yêu bé như ngày nào, và mẹ cần chuẩn bị những điều gì cho con lớn tránh khỏi cú sốc khi biết mình sắp không còn là tâm điểm chú ý của cả nhà nữa.

Trẻ sẽ thích hoặc không thích có thêm em?

Với gia đình nhỏ hiện nay, để ổn định và lo cho con tốt hơn thì một đứa trẻ thường được nuông chiều hết mực. Khi có thêm một em bé nữa, bố mẹ cần có thời gian và tâm trí lo lắng, chăm sóc trẻ nhỏ hơn. Còn bé lớn có thể bị bố mẹ ít quan tâm, thậm chí là phớt lờ. Điều này khiến cho trẻ bị sốc, cảm thấy bị tổn thương và ghen tỵ. Trước đây cả nhà quan tâm, yêu thương trẻ, giờ thì lại dồn hết vào em bé. Những biểu hiện rõ ràng ở trẻ như sau:

- Trẻ trở nên lì lợm, ít nói, thích thu mình nhiều hơn.

- Trẻ muốn thu hút sự chú ý quan tâm của người lớn bằng cách la hét, quậy phá nhiều hơn.

- Trẻ hay khóc, hay hờn và trách bố mẹ không quan tâm.

- Trẻ thường so sánh với em bé như: sao mẹ lúc nào cũng ôm em, sao mẹ không ngủ với con như trước…

- Trẻ ngại gần gũi em bé, không thích nói chuyện hay chơi với em, thậm chí nói “con ghét em”, “con không thích em bé”…

- Trẻ có những đòi hỏi vô lý như: đòi đi chơi trong lúc bạn đang cho em bé ăn…vv.

- Ganh tỵ, đánh em và giành đồ chơi.. với em.

Những biểu hiện trên đây thể hiện sự thay đổi tâm lý của trẻ khi chưa được bố mẹ chuẩn bị trước khi có em. Đột nhiên trong gia đình có thêm một em bé và cách đối xử của các thành viên khác trong gia đình cũng thay đổi theo khiến trẻ cảm thấy lạ lẫm, bị bỏ rơi.

Vì vậy, làm thế nào để các con luôn hoà thuận, cùng nhau khôn lớn mà không cảm thấy tủi thân hay có cảm giác bị “thiên vị” là điều các cha mẹ đông con rất quan tâm.

Khi chuẩn bị sinh thêm em bé

Khi con biết rằng mình sắp có em, tự nhiên con sẽ quay trở lại cư xử giống như em bé. Bởi con nghĩ em bé sẽ chiếm được tình yêu của mẹ. Người mẹ phải cho con biết rằng con sẽ có em.

Thay vì chỉ nói: “Con là anh/chị của em đấy!” thì hãy khẳng định với con rằng: “Cho dù có em bé thì cha mẹ vẫn rất yêu con!” và bảo con hãy đối xử dịu dàng với em. Để bé hiểu rằng mẹ vẫn luôn dành tình yêu cho mình thì sẽ cảm thấy yên tâm và dần dần sẽ có thể tách khỏi mẹ.

Hãy dạy con nói chuyện với em bé trong bụng, làm quen với em dần dần. Ví dụ kể lại những chuyện xảy ra trong ngày cho em nghe, áp tai vào bụng mẹ để nghe em bé đạp, vuốt ve bụng mẹ, cùng tham gia đặt tên cho em bé.

Khi em bé được sinh ra

Nếu chỉ quan tâm đến em bé sẽ khiến con lớn không yên tâm, sẽ lại cư xử như thể mình là em bé. Cha mẹ hãy quan tâm nhiều hơn đến con lớn. Hàng ngày cha mẹ cho con lớn tiếp xúc với em, chơi với em. Như vậy con sẽ thấy thoải mái và vui vẻ.

Hãy vẫn thường xuyên đọc sách cho con nghe. Cha mẹ có thể nhờ ông bà chăm sóc em bé để dành thời gian cho con lớn, cùng con lớn đi chơi nửa ngày. Khi con lớn đi học thì cha mẹ dành thời gian chăm sóc con nhỏ. Chỉ là những sắp xếp đơn giản nhưng đối với các con lại mang những ý nghĩa tình cảm to lớn.

Nhờ sự giúp đỡ của con lớn trong việc chăm sóc em bé

Mẹ có thể nhờ con giúp trong việc cùng chăm sóc em. Ví dụ: khi mẹ thay tã cho em, mẹ có thể nhờ con lớn lấy tã cho em, con cầm khăn lau dãi cho em hay lắc con xúc xắc cho em.

Khi được giúp, mẹ nhớ cảm ơn con: “Con đã giúp mẹ rất nhiều, mẹ cảm ơn con. Mẹ yêu con”. Mẹ hãy nhớ ôm con vào lòng, tình cảm sẽ được truyền qua da và những bất ổn, căng thẳng sẽ tan biến.

Không được để nảy sinh tính cạnh tranh giữa các con

Cha mẹ phải biết cách đối xử để anh chị em trong nhà luôn yêu quý nhau, duy trì tình cảm gia đình. Nếu so sánh hai con tức là cha mẹ đã thất bại.

So sánh về cá tính không sao nhưng so sánh ai hơn ai thì tuyệt đối không nên. Khi đó con sẽ lớn lên trong tâm lý cạnh tranh nhau. Cha mẹ hãy luôn yêu thương và quan tâm đầy đủ đến con lớn, bản thân con lớn sẽ không ghen tị với em, trong nhà sẽ không xảy ra sóng gió.

Cần phải giáo dục con lớn thật tốt

Nếu giáo dục được đồng thời cả hai con thì quá tốt. Trong trường hợp không thể, hãy lấy việc giáo dục con lớn làm trọng tâm, con thứ sẽ thông qua đó mà học hỏi. Khi con lớn đã được giáo dục đầy đủ rồi, sẽ trở thành tấm gương tốt, có sức ảnh hưởng tự nhiên đến con thứ.

Cha mẹ sẽ không phải lo lắng vì con thứ sẽ phát triển tốt hơn nữa. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần chú ý để không xảy ra tình trạng con lớn trở thành trung tâm của gia đình. Khi đó con bé lại bị thiếu hụt và thấy tủi thân.

Khoảng cách giữa hai con

Giữa hai con có một khoảng thời gian nhất định thì tốt hơn. Khoảng cách giữa hai con tốt nhất là 3-5 tuổi. Nếu sinh thêm con trong khi con lớn mới 2 tuổi thì con có khả năng sẽ ghen tỵ với em khiến mẹ khó xoay sở.

Hơn nữa, con ở giai đoạn 0-3 tuổi là lứa tuổi vàng mà cha mẹ dành nhiều thời gian dạy con hơn. Khi con được 3 tuổi sẽ có thể dần dần tách mẹ, không còn sốc với việc có em.

Không can thiệp vào chuyện cãi nhau của các con

Khi các con cãi nhau, cha mẹ không quyết định ai đúng ai sai, cũng không cần can thiệp. Con tự nhiên sẽ theo trật tự anh em. Thông thường sẽ theo con lớn. Khi đó con lớn sẽ cảm thấy thoải mái và sẽ cư xử tốt với em. Quan hệ anh chị em trong nhà sẽ trở nên tốt đẹp.

Khi con lớn sai, cha mẹ cần dạy con điều gì không đúng. Khi con cùng chơi đồ chơi, nhiều cha mẹ thường bắt con lớn phải nhường đồ chơi của mình cho em là không nên. Nếu đồ chơi của con lớn thì phải ưu tiên con lớn. Cha mẹ hãy xác định rõ ràng quyền sở hữu và nói cho con bé hiểu điều đó.

Một số điều không nên nói hoặc ép trẻ 

- Hỏi trẻ muốn em trai hay em gái: Đây là điều không nên nói với trẻ, vì sự thực là trẻ không có quyền và không được phép lựa chọn, trẻ dễ bị hụt hẫng nếu sự thật không như mong muốn. Mẹ hãy trung thực thông báo giới tính của em bé thay vì đưa ra câu hỏi mang tính lựa chọn không thực tế như vậy.

- Nói rằng em bé sẽ là người bạn cùng chơi với con: Trên thực tế, phải mất vài năm thì em bé mới có thể cùng chơi đùa với anh chị lớn. Trong thời gian đó, trẻ sẽ vẫn tự chơi một mình mà em chưa thể tham gia cùng.

- Ép trẻ vội vàng: Khi sắp sinh, một số mẹ ép trẻ phải vội vàng hoặc cấp tốc thực hiện một số kĩ năng để tự phục vụ bản thân trong lúc mẹ không thể chăm trẻ, chẳng hạn như việc đi bô. Nhưng mẹ cần hiểu rằng việc thúc ép chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi, mệt mỏi và càng có cái nhìn không mấy thiện cảm với em bé – tác nhân khiến trẻ phải từ bỏ thói quen cũ một cách đột ngột như vậy.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...