Chất lượng dân số Thủ đô ngày càng nâng cao

Thứ Sáu, 09/12/2022 10:09 PM (GMT+7)

Những năm gần đây, chất lượng dân số của Hà Nội từng bước nâng cao thông qua nhiều mô hình được triển khai và nhân rộng. Từ đó, ổn định về quy mô dân số; giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên; duy trì vững chắc mức sinh thay thế, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Cùng với cả nước, công tác dân số của Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể. Về quy mô dân số, dự kiến năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế. Thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: tỉ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) dự kiến năm 2022 là 112,5/100. Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số.

Hiện nay, Hà Nội cùng với cả nước đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, năm 2022 tỉ lệ sàng lọc trước sinh toàn Thành phố ước đạt 82%, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%.

copy-of-anh-chien-dich-cua-duong-ngoc-1448425876134-crop-1448426160634

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện triển khai các hoạt động, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù…

Các hoạt động chăm sóc sức khỏe đã được ngành dân số Thủ đô triển khai trong thời gian dài với đa dạng hoạt động, chia ra các đối tượng và lứa tuổi cụ thể. Ngoài ra, hoạt động tầm soát, sàng lọc một số bệnh trước sinh và sơ sinh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng đang triển khai tập trung tuyên truyền, vận động, tư vấn từ tuyến xã, huyện.

Tại quận Long Biên, thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng: nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, triển khai các mô hình điểm, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, hội thi, giao lưu văn nghệ...

Cùng với quận Long Biên, những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Oai, Ban Chỉ đạo Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện phối hợp với các ngành đoàn thể, cũng thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại tình dục; tổ chức các buổi truyền thông về nâng cao trách nhiệm của nam giới, phát huy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay. Các hoạt động trên đã và đang được triển khai đồng bộ trên tất cả các quận/huyện.

3804eeea73cf29495a88476a4be34025

Mặc dù công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố tuy nhiên do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng; tỉ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa ổn định, chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Tỉ số giới tính khi sinh của Thành phố có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và sự ổn định trong công tác dân số, trong thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã toàn Thành phố cùng phối hợp để thực hiện các nội dung trọng tâm trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của thành phố và của cả nước. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số, mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số, kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam (26/12) Trung tâm Y tế các quận/huyện trên địa bàn Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; truyền thông về cơ cấu dân số vàng… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...