Chủ động phòng chống dịch mùa hè

Thứ Tư, 04/05/2022 09:29 AM (GMT+7)

Mùa hè - thời tiết diễn biến phức tạp và bất thường, nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch, bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, dễ lây lan.

Mọi người đều có thể mắc các bệnh, dịch truyền nhiễm, nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện, lại chưa có ý thức trong phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây lan ra cộng đồng. Trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra một số biện pháp phòng một số bệnh thường gặp:

1. Bệnh tiêu chảy cấp:

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp, nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau:

  • Virut: Virut là nguyên nhân cơ bản gây bệnh tiêu chảy,trong đó rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Vi rút coxaki EV71 cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp trong bệnh cảnh Tay - chân - miệng gây thành dịch.
  • Vi khuẩn: hay gặp như phảy khuẩn tả, trực khuẩn lỵ, thương hàn, E.coli,…trong đó tả là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
  • Ký sinh trùng: Những người có thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ cũng có nguy cơ mắc bệnh do kí sinh trùng như sán, lỵ a míp, ấu trùng giun tròn,…

Phòng bệnh tiêu chảy cấp:

Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung: ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã, không ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thức ăn để tủ lạnh quá 24 giờ,.. Tăng cường vệ sinh thân thể, vệ sinh tay: Rửa tay sạch trước khi ăn, chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với dụng cụ bẩn. Sàn nhà, nhà trẻ, vật dụng, đồ chơi của trẻ cần được lau, rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn cloramin B 2%; cách ly, điều trị trẻ bệnh tay chân miệng tại các cơ sở y tế.Bên cạnh đó cần tránh tập trung ăn uống đông người trong các dịp ma chay, cưới hỏi,…hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

benh-mua-he-120620a(1)

2. Các bệnh do muỗi truyền: Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản

Bệnh sốt xuất huyết:

Là bệnh nhiễm virus sốt xuất huyết dengue cấp tính do muỗi truyền (muỗi vằn aedes aegypti). Muỗi vằn thường đẻ trứng và nở thành loăng quăng/bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước (sạch) quanh nhà, nơi chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa, các vật dụng chứa nước sinh hoạt để lâu ngày như chum, vại, bể nước mưa, lọ hoa,… hoặc các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa,… 

Ðể phòng bệnh sốt xuất huyết, cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thường xuyên thu gom, tiêu hủy dụng cụ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa,… Thường xuyên thau rửa chum vại, bể nước mưa, lọ hoa, úp ngược các vật dụng chứa nước không dùng đến như xô, chậu, máng nước uống của gia súc, gia cầm. Nuôi thả cá nhỏ (cá rô, cá cờ), thả mesocylops (một loài giáp xác) vào bể nước để diệt bọ gậy. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi quy mô cộng đồng hoặc phun diệt muỗi trong nhà bằng các bình xịt muỗi cầm tay.

Bệnh viêm não Nhật Bản:

Là bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi culex, loài muỗi này thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường là lợn, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây thành dịch lớn, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời.

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng cách: Tiêm vaccine phòng bệnh, thường chỉ tiêm cho trẻ em, mỗi trẻ cần được tiêm đủ ba mũi theo lịch chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà.

3. Bệnh cúm

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus influenza gây nên. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng (viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng). Cúm có thể gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch, với số người tử vong rất đáng kể.

Phòng và tránh bệnh cúm:

  • Hạn chế tiếp xúc người bị bệnh       
  •  Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.         
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.         
  • Tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh.       
  •  Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.         
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

4. Các bệnh lây theo đường hô hấp khác: Sởi, quai bị, rubella, thủy đậu

Là các bệnh truyền nhiễm nhóm B có thể gây thành dịch lớn nguy hiểm với số lượng mắc cao trong cộng đồng, nhất là sởi.

Cách phòng bệnh:

  • Hạn chế tiếp xúc người bị bệnh.
  • Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày (cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế) từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh.
  • Rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. 
  • Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
  • Chủ động tiêm văcxin phòng bệnh (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu) cho trẻ em theo đúng lịch là cách phòng bệnh tốt nhất.         

Trước dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động của El Nino khiến mùa hè nóng hơn trung bình từ 0,5-1 độ C và mưa trái mùa sẽ tăng lên, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất. Đó là: Vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh.

Nguồn: http://benhviendakhoaphonoi.com.vn/

Tú Thư

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...