Chương trình mục tiêu dân số năm 2016 – 2020 được Nhà nước quan tâm như thế nào?

Chủ Nhật, 11/10/2020 03:16 PM (GMT+7)

Chương trình y tế dân số đang được Nhà nước quan tâm bởi sự ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, phê duyệt. Trong suốt 3 năm qua, Quảng Bình đã triển khai Chương trình nghiêm túc và đạt nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp sự phát triển kinh tế cho địa phương và quốc gia.

Cụ thể triển khai chương trình

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên về chuyên môn, kỹ thuật của các Bộ, ngành, đơn vị, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế thành lập Ban Quản lý Chương trình mục tiêu YT-DS giai đoạn 2016 - 2020 do Giám đốc Sở Y tế làm trưởng ban, triển khai xây dựng kế hoạch hoạt động, dự toán ngân sách hàng năm; theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình; chỉ đạo từng đơn vị tổ chức triển khai, phối hợp với các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện và đánh giá kết quả để có Kế hoạch điều chỉnh, bổ sung hoạt động từng dự án theo tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

muc-tieu-dan-so

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí được giao thực hiện Chương trình mục tiêu YT-DS là 55.571 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 42.793 triệu đồng, nguồn vốn địa phương là 12.778 triệu đồng; tổng kinh phí quyết toán 49.677 triệu đồng, riêng nguồn vốn Trung ương 36.919 triệu đồng, nguồn vốn địa phương 12.758 triệu đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 89,4%. Với nguồn kinh phí đó, trong 05 năm qua, Quảng Bình đã triển khai 06 dự án thuộc Chương trình mục tiêu YT-DS gồm: Dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Dự án Tiêm chủng mở rộng; Dự án Dân số và phát triển; Dự án An toàn thực phẩm; Dự án Quân dân y kết hợp và Dự án Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế.

Kết quả triển khai như thế nào?

Nhìn chung, các Chương trình mục tiêu Quốc gia về lĩnh vực YT-DS được triển khai trong toàn tỉnh thu được kết quả tốt. Việc triển khai các hoạt động của Chương trình cơ bản đảm bảo về tiến độ và chất lượng so với Kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đối với Dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến đã đạt được một số kết quả, đó là: Giảm 10% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng, giảm 20% số người chết do bệnh lao so với giai đoạn 2010 - 2015; duy trì bền vững kết quả loại trừ bệnh phong đã được Bộ Y tế kiểm tra công nhận từ năm 2015, hàng năm đạt các chỉ tiêu về tổng số lượt khám, tỷ lệ lưu hành bệnh phong duy trì mức 0,2/10.000 dân; giảm tỷ lệ mắc sốt rét 05 - 10% và không để dịch sốt rét xảy ra; chủ động triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, giám sát dịch tễ từ tỉnh đến cơ sở, phát hiện dịch và xử lý kịp thời không để dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra, điều trị tích cực các ca bệnh, hạn chế tử vong; thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng; kiểm soát tốt hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường và rối loạn do thiếu I-ốt cùng một số bệnh không lây nhiễm khác.

Đối với Dự án Tiêm chủng mở rộng, tỉnh đã duy trì thường xuyên công tác tiêm chủng mở rộng, triển khai các chiến dịch tiêm chủng (Sởi - Rubella, Bại liệt, Bạch hầu và uốn ván) theo quy định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 01 tuổi đạt 93% - 98% , tiêm AT2+ cho phụ nữ có thai đạt > 90%; 100% xã, phường, thị trấn quản lý đối tượng tiêm chủng trên hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia. Trong Dự án Dân số và phát triển, địa phương tiếp tục triển khai các mô hình, đề án như Đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", Đề án "Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển", mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, mô hình "Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân".

Tỷ lệ tăng dân số hàng năm được duy trì ổn định, tỷ số giới tính khi sinh được khống chế; tỷ lệ bà mẹ đẻ do cán bộ y tế đỡ và tỷ lệ bà mẹ, trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt trên 95%; khống chế tỷ suất tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống dưới 52; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục giảm. Về Dự án An toàn thực phẩm, từ 2016 - 2020, ngành Y tế phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương đã kiểm tra tại 28.889 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phát hiện, xử lý 5.466 lượt cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 1,8 tỷ đồng; tiêu hủy hàng hóa, sản phẩm thực phẩm vi phạm trị giá gần 3,8 tỷ đồng…

Đối với Dự án Phòng, chống HIV/AIDS, địa phương cũng duy trì công tác giám sát phát hiện người nhiễm, tăng cường chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng; duy trì việc khám, chữa bệnh qua Bảo hiểm Y tế cho bệnh nhân HIV với kết quả 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có Thẻ Bảo hiểm Y tế được thanh toán.

Các động thái đi kèm chương trình

Mặt khác, trong Dự án Quân dân y kết hợp, tỉnh đã duy trì việc phối hợp với Quân Y Bộ đội Biên phòng, Quân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong tuyên truyền, xây dựng nếp sống vệ sinh ở các làng vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế; triển khai hoạt động huấn luyện diễn tập bệnh viện dã chiến dự bị động viên, tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho Nhân dân ở một số địa bàn. Ngoài ra, Dự án Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế đã được thực hiện khá tốt, trong đó lồng ghép truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại các trường học, trên phương tiện thông tin đại chúng, qua đó góp phần kiểm soát các dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết trên địa bàn cũng như nâng cao nhận thức về nguy cơ sức khỏe, thay đổi hành vi nguy cơ của người dân...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu YT-DS tại địa phương vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Tỷ lệ giải ngân một số dự án năm 2017, 2018 còn thấp do thời gian phân bổ kinh phí Trung ương Chương trình mục tiêu năm 2017, 2018 gần nhau. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn thiếu hoặc có nhưng không đồng bộ; trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác y tế tại tuyến cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng của sốt xuất huyết; môi trường bị ô nhiễm, hành vi lối sống thiếu lành mạnh của người dân. Tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm tăng, diễn biến các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến sức khỏe người dân ngày càng tinh vi, phức tạp khó kiểm soát... Các loại hình chế biến, kinh doanh thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo mùa vụ nên gặp khó khăn trong quản lý.

muc-tieu-dan-so2

Một số cơ sở chưa có ý thức trong việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản trên địa bàn hầu hết có quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nên còn hạn chế trong việc đáp ứng điều kiện về ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.

Thời gian tới, địa phương đã có một số kiến nghị Bộ Y tế quan tâm, xem xét bố trí tăng ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu YT-DS cho tỉnh; hỗ trợ đồng bộ các trang thiết bị thiết yếu và tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cho tuyến cơ sở nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động của dự án tại cơ sở. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về xây dựng kế hoạch 2021 - 2025 để địa phương có cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...