Chuyện phải có con trai và người “nối dõi tông đường”

Thứ Bảy, 20/07/2019 03:30 PM (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 6/2019, trong chuyến công tác cùng với cán bộ chuyên trách dân số xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), chúng tôi ghi nhận bức tranh sống động về cuộc sống thực tế của người dân nơi đây, trong quan niệm về chuyện sinh đẻ, chuyện phải có con trai - con gái và người “nối dõi tông đường”.

con-trai

Gia đình anh Tám, chị Lan quyết tâm nuôi dạy 2 con gái chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: Công Nam

“Đừng để con bỏ học giữa chừng làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”

Đến thăm bà con thôn Đam Pao, hình ảnh đầu tiên của gia đình vợ chồng chị Ka Sài (SN 1982) với 4 đứa con khiến chúng tôi ám ảnh. Ngôi nhà mà vợ chồng chị Ka Sài và các con sinh sống, gọi là nhà nhưng chỉ có mấy tấm ván che lại, mái tôn thủng thì nhìn thấu trời; nắng mưa đều bị hắt vào.

Chị Ka Sài cho biết, nhà trồng ít cà phê, hai vợ chồng chủ yếu đi làm thuê, ai thuê gì cũng làm, “Giờ này chồng mình đang đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo cho con”. Khi tôi hỏi chị muốn sinh thêm con nữa không thì chị hồn nhiên trả lời “Cũng không biết nữa”. Các con của chị Ka Sài đều đang tuổi ăn, tuổi học nhưng với cháu đầu sinh năm 2003, anh chị đã dự tính sang năm cho cháu nghỉ học để phụ giúp cho bố mẹ.

Chị Trương Thị Túy - Cán bộ chuyên trách dân số xã Đạ Đờn cho biết: “Gia đình chị Ka Sài nghèo vì đông con, sinh dày, vườn thì ít, nhà không có đất để trồng hoa màu và chăn nuôi. Chúng tôi vận động mãi hai vợ chồng mới chịu áp dụng biện pháp KHHGĐ”.

Chúng tôi đến thôn Tân Lâm, xã Đạ Đờn gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám và chị Vũ Thị Hương Lan. Vợ chồng anh chị đều là công chức nhà nước. Anh chị lấy nhau được gần 20 năm và đã có 2 con gái học giỏi, ngoan ngoãn, là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người. Cháu đầu sinh năm 2004, vừa đoạt giải Nhì môn Vật lý toàn tỉnh. Cháu thứ hai sinh năm 2007, trong lúc chúng tôi ghé nhà thì cháu đang cùng đội tuyển cầu lông của tỉnh Lâm Đồng tham dự vòng Chung kết tại Đà Nẵng.

Mẹ anh Tám đã ngoài 80 tuổi, ngày trước bà vẫn canh cánh rằng: “Tôi không thể nhắm mắt khi chưa có cháu đích tôn”, nhưng giờ đây nhìn hai cô cháu gái ngoan ngoãn, học giỏi bà đã xóa bỏ tư tưởng phải có cháu trai nối dõi tông đường. Bà còn động viên anh Tám, chị Lan phải chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con gái cho tốt.

Chị Lan tâm sự: “Trước đây, khi mới sinh cháu gái thứ hai, vợ chồng tôi nhiều lúc cũng hay bị người ta chọc, đặc biệt vào những lúc hội hè, giỗ chạp... Họ hàng gặp nhau cứ bảo chồng em là ông ngoại và ngồi mâm dưới”. Điều an ủi là chồng em luôn xem con trai cũng như con gái, cùng một quan niệm là làm sao nuôi cho con ăn học đến nơi đến chốn, đừng để con bỏ học giữa chừng làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe - KHHGĐ

chuyen-con-trai

Gia đình chị Ka Sài đông con, nhiều khó khăn.

Chị Ka Điệp, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Dân số xã chia sẻ: “Xã Đạ Đờn có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số và đạo Công giáo sinh sống đông, nhận thức của người dân về việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ còn hạn chế, nhiều hộ gia đình cứ nói mình đẻ, mình nuôi. Để thay đổi quan niệm của người dân là khó, song chúng tôi đã có nhiều giải pháp khác nhau. Chúng tôi đã chỉ đạo cho các Ban, ngành từ xã xuống thôn tuyên truyền, vận động DS - KHHGĐ lồng ghép nội dung, tranh thủ phối hợp với các vị chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền cho bà con hiểu và thay đổi nhận thức”.

 Ông Bạch Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà cho biết: Trong những năm qua, công tác khám và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em gái trên địa bàn huyện luôn được chú trọng triển khai đến các xã. Song song đó là việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được phối hợp, lồng ghép với các đơn vị để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe - KHHGĐ.

Hiện nay, Lâm Hà cũng như các địa phương khác gặp khó khăn trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu được bình đẳng giới, quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ. Trong những buổi gặp gỡ, nói chuyện với người dân, một số người cao tuổi vẫn giữ quan niệm phải có con trai. Từ đó, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, khiến chỉ số cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn giảm chậm”.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, trong thời gian tới theo ông Bạch Văn Phương, cần phải có những giải pháp cụ thể sau: Tiếp tục phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên của các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân số như Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Từ đó nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được về những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sau sinh… Đồng thời chỉ đạo cho các phòng chuyên môn, các trạm y tế trên địa bàn chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đến tận từng hộ dân tập trung vào những cặp vợ chồng sinh con một bề là nữ và các cặp vợ chồng đã sinh con thứ ba; tổ chức các buổi tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, tiếp tục triển khai các câu lạc bộ bình đảng giới, CLB ông bà mẫu mực; từng bước động viên khen thưởng kịp thời những cán bộ, hộ gia đình thực hiện tốt chính sách Dân số và Phát triển…

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...