Đắk Nông nỗ lực truyền thông đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thứ Tư, 20/09/2023 02:13 AM (GMT+7)

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy lâu dài đối với gia đình và xã hội. Bởi vậy, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người dân từng bước “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Nông mở đợt cao điểm truyền thông, nói chuyện chuyên đề phổ biến kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 lần lượt tại các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’Lấp.

Tại các buổi truyền thông, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình chia sẻ với bà con các nội dụng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; các biện pháp phòng, tránh thai… Đặc biệt, các cán bộ dành nhiều thời gian nói về vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã và đang xảy ra trong đời sống bà con các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông.

image.baogialai.com.vn-w840-uploaded-2023-kireyfrextyrlexft-2023_09_09-_img-8015-6849

Việc lấy vợ, lấy chồng sớm khiến nhiều bạn trẻ mất đi cơ hội học tập, tìm việc làm tốt, dẫn đến nghèo đói luẩn quẩn. Trong khi đó, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là những bệnh bẩm sinh liên quan đến di truyền.

Việc triển khai các hình thức truyền thông trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp nhiều người dân nâng cao kiến thức cũng như thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, từng bước giúp bà con thực hiện tốt các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình nói chung, ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, các trường học và người có uy tín đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn nhân cận huyết thống. Song song với đó, còn kết hợp những biện pháp răn đe, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Việc kết hợp các biện pháp tuyên truyền, răn đe khiến nhiều bạn trẻ đã thay đổi ý định kết hôn sớm, góp phần kiềm chế tảo hôn.

anh-bai-hon-nhan

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đắk Drông Nông Văn Long cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã Đắk Drông cũng đã xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý ban đầu tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật, hôn nhân, dân số - kế hoạch hoá gia đình ngay tại thôn bản. Riêng đối với ban tự quản các thôn, bản, xã đề nghị đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, quy định người dân không giúp việc, không dự, không tặng quà cho đám cưới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của thôn. Nhờ vậy đến nay, nạn tảo hôn đã giảm đáng kể và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống”…

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các ngành, đoàn thể, địa phương, tỉnh Đắk Nông đang từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...