Dân số Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục và cảnh báo cho Việt Nam

Thứ Hai, 10/06/2019 05:17 PM (GMT+7)

Dân số Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi đó tại Việt Nam, từ năm 2011, dân số 60 tuổi trở lên của nước ta là 10%, nghĩa là Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hoá.

dan-so-viet-nam

 Dân số Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục

Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 7/6 cho thấy số trẻ sơ sinh ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 918.397 trẻ trong năm 2018, tiếp tục dưới mốc 1 triệu trẻ trong 3 năm gần đây.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, trong năm ngoái, dân số đất nước "Mặt trời mọc" đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 444.085 người so với số liệu được thống kê kể từ năm 1899. Số trẻ sinh ra giảm 27.668 em, trong khi số trường hợp tử vong tăng 22.085 lên 1.362.482 người. Tỷ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ Nhật Bản vẫn duy trì trong khoảng 1,4 kể từ năm 2012 sau khi chạm mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2005. Hiện độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng của phụ nữ Nhật Bản ở khoảng 30,7 tuổi và số trẻ sơ sinh có mẹ trong độ tuổi từ 30 - 34 đã giảm hơn 10.000 trẻ.

Okinawa là địa phương duy nhất của Nhật Bản có số trẻ sơ sinh nhiều hơn số ca tử vong. Xét trên 47 tỉnh thành của Nhật Bản, Okinawa có tỷ lệ sinh cao nhất 1,89, tiếp theo là Shimane- 1,74 và Miyazaki- 1,72. Tỷ lệ sinh thấp nhất được ghi nhận tại Tokyo 1,2.

Trước "bài toán" khó về dân số hiện nay, một quan chức thuộc Bộ Y tế, lao động và phúc lợi của Nhật Bản khẳng định cơ quan này sẽ nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ các bà mẹ muốn sinh và nuôi dưỡng con.

Theo một cuộc thăm dò mới đây, có 73,5% số người trong gần 3.000 người được hỏi cho biết họ cảm thấy khó khăn khi sinh và nuôi dưỡng con thứ 2. Trong khi đó, một cuộc khảo sát trực tuyến khác được thực hiện hồi cuối tháng 5 cho thấy có 82% số ý kiến cho biết yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới quyết định sinh con thứ 2 của các gia đình Nhật Bản.

Cũng theo một cuộc khảo sát của chính phủ, số cặp đôi kết hôn trong năm 2018 cũng đã giảm 20.428 cặp so với năm trước đó, xuống còn 586.438 cặp. Độ tuổi kết hôn trung bình là khoảng 31,1 đối với nam giới và 29,4 đối với nữ giới. Số liệu này không thay đổi kể từ năm 2014.

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản, chiếm tới 27,4% tổng số trường hợp tử vong, trong khi các bệnh về tim mạch chiếm 15,3%. Số người qua đời vì các nguyên nhân tự nhiên chiếm 8%. Số ca tử tự ở Nhật Bản trong năm qua là 20.032, giảm 433 trường hợp so với năm trước đó.

Tốc độ già hoá dân số Việt Nam nhanh, dân số “vàng” sẽ mất vào năm 2040

Phát biểu tại hội thảo: "Hướng tới tăng trưởng có chất lượng trong giai đoạn 2021-2030" ngày 7/6, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), cho rằng, thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau.

Ở trong nước, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới.

Trong khi đó, những lợi ích thu được từ quá trình chuyển đổi cơ cấu - công nhân chuyển từ hoạt động nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất và dịch vụ với năng suất cao hơn - đang diễn ra và sẽ kết thúc một cách tự nhiên. Tiền lương đang tăng lên và sẽ bắt đầu làm xói mòn lợi thế so sánh hiện nay của Việt Nam tại những phân khúc có giá trị gia tăng tương đối thấp và sử dụng nhiều lao động trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

"Vì vậy, mặc dù có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của đất nước, Việt Nam sẽ phải nắm bắt cơ hội, quản lý rủi ro và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ. Chúng ta không thể bỏ lỡ những cơ hội này. Thập kỷ này là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới và tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045", ông cho hay.

Đồng quan điểm, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank cho rằng Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam phải hành động rất nhanh bởi thời gian dân số vàng của nền kinh tế này chỉ còn khoảng 22 năm.

Mặt khác, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang thấp hơn các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Và mức này sẽ giảm dần nếu không có cải cách sâu rộng.

Đầu năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cho biết, công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều thách thức mới, nhất là khi tỉ lệ sinh ngày cảm giảm, tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao, tốc độ già hoá dân số nhanh...

Năm 2011, dân số 60 tuổi trở lên của nước ta là 10%, nghĩa là Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hoá.

Đáng lưu ý, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh. Trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, chậm chí hàng thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất 20-22 năm.

Đơn cử như Pháp mất 115 năm, Thuỵ Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Canada 65 năm...

Theo dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20 % với khoảng 21 triệu người cao tuổi.

Già hóa dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, do đó đặc trưng dân số già, giảm sinh là của các nước phát triển,

Tuy nhiên, Việt Nam là một nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi hiện nay trải qua nhiều năm chiến tranh và nghèo khó nên già hóa dân số đặt ra nhiều vấn đề như: An sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, việc làm cho người cao tuổi…

Già hoá dân số nhanh khiến cơ cấu dân số “vàng” cũng rút ngắn nhanh.

Cơ cấu dân số “vàng” là tình trạng số người trong độ tuổi từ 15 - 64 (độ tuổi có khả năng lao động) nhiều gấp 2 lần tổng số người dưới 15 tuổi (phụ thuộc trẻ) và số người từ 65 tuổi trở lên (phụ thuộc già).

Nói khác đi, một dân số có cơ cấu vàng khi tỉ lệ những người trong độ tuổi (15-64) chiếm 66% trở lên.

Tốc độ già hoá dân số Việt Nam nhanh gấp 4 lần các nướcÔng Doãn Hữu Tú Ông Tú cho biết, nếu năm 1979, tỉ lệ những người trong độ tuổi (15-64) ở nước ta chỉ có 53% thì đến năm 2007 đã đạt 66% (bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”) và hiện nay, tỉ lệ này xấp xỉ 70%.

Hơn nữa, khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động là những người trẻ, dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

Đây là dư lợi rất lớn của cơ cấu dân số “vàng” về số lượng lao động, mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bằng chứng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore… đều có nền kinh tế “thần kỳ” trong giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”.

Tuy nhiên, cơ cấu dân số “vàng” mới chỉ là tỉ lệ và số lượng “dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế” lớn, mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải trực tiếp có ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số “vàng” còn phải đảm bảo nhiều yếu tố như: Những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc; những người “có khả năng làm việc” phải có việc làm; những người có việc làm phải làm việc với năng suất, thu nhập cao.

Do đó, trong khoảng thời gian 20 năm tới, Việt Nam phải khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

“Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số “vàng” không khai thác thì sẽ mất vào năm 2040”, ông Tú nhấn mạnh.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...