Đẩy lùi vấn nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 05/10/2023 04:55 PM (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra tại vùng dân tộc thiểu số.Tảo hôn không chỉ đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật, mà nguy hiểm hơn còn để lại cho gia đình, xã hội và thế hệ tương lai những hệ lụy khôn lường.

Tảo hôn là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền nhưng phổ biến vẫn là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, dân tộc.

ket3

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù mức xử phạt thấp, những trường hợp vi phạm hầu hết là hộ nghèo nên dù có phạt vẫn không thu được tiền. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do nhiều yếu tố: rào cản về ngôn ngữ như nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh), trình độ dân trí thấp (mù chữ, học vấn thấp), thiếu kinh phí triển khai, đối tượng được tuyên truyền ít tham gia (thanh thiếu niên)… dẫn đến hiệu quả không cao.

Đặc biệt, ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng với những quan niệm mang tính duy tâm, đã dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp kết hợp với phong tục tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn.

1

Trước thực trạng đó, để giảm tối đa tình trạng tảo hôn cần tăng cường thực hiện chủ trương xóa bỏ và hạn chế các hủ tục. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu và gây ấn tượng mạnh. Ngoài những chương trình chuyên đề, chúng ta cũng cần lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa...

Bên cạnh đó, ở các tộc người thiểu số, đội ngũ già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín có vai trò rất lớn. Đây là đội ngũ phải đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và xóa bỏ các hủ tục. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật hôn nhân và gia đình; có hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu rõ quy định, vận dụng trong dòng họ.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...