Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu y tế - dân số

Thứ Sáu, 01/11/2019 01:24 PM (GMT+7)

Thời gian qua, nhờ triển khai và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển.

muc-tieu0dan-so

Người dân tại cơ sở đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế.

Những kết quả nổi bật

Chị Đoàn Thị Lan Anh, Trưởng trạmY tế xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, nhờ có hoạt động của câu lạc bộ dinh dưỡng (CLBDD), tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) ở địa phương đã được cải thiện đáng kể. Trong năm 2018, tại xã đã có 13/36 trẻ được phục hồi, thoát khỏi tình trạng SDD. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 24 trẻ thoát khỏi tình trạng SDD.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu i-ốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A luôn duy trì trên 95%; tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi từ 19,2% (năm 2015) giảm còn 17,5% (năm 2018), tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 29,3% (năm 2015) xuống còn 27,5% (năm 2018).

Hay như ở Hà Giang, thời gian qua đã tích cực thực hiện công tác phòng chống SDD cho trẻ em. Theo đó, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho các nhóm đối tượng. Các thông điệp chính gồm: Dinh dưỡng - vận động hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống SDD thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng... cho các nhóm đối tượng là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, trẻ học đường... Tổ chức các hội thi, truyền thông tại các xã, phường, phát tờ rơi, truyền thanh, hướng dẫn trình diễn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi.

Vẫn còn đó nhiều khó khăn

Bên cạnh những thành tựu, Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển, như: Những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng; đó là ô nhiễm môi trường sống... làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp...

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, tỷ suất sinh vẫn còn nguy cơ tăng ở một số vùng. Tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở một số khu vực miền núi cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng, đô thị và gấp gần 2 lần so với mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ SDD trẻ em vẫn còn cao ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc trước và trong sinh bảo đảm chất lượng ở vùng đồng bào các DTTS và vùng khó khăn vẫn còn hạn chế...

Theo ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), thời gian tới, để nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số, Bộ Y tế sẽ tăng cường lồng ghép các hoạt động tập huấn, đào tạo, kiểm tra giám sát chuyên môn; tăng cường hoạt động truyền thông các thông điệp nhằm giảm các nguy cơ, rèn luyện nâng cao thể lực, nâng cao ý thức tự quản lý sức khỏe, phát hiện sớm và quản lý các bệnh lý mãn tính.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...