Đến cuối thế kỷ, gần một nửa dân số thế giới sẽ là người châu Phi

Thứ Năm, 16/07/2020 04:23 PM (GMT+7)

Tới cuối thế kỷ này, dân số của vùng Cận Sahara - châu Phi được dự báo có thể tăng gấp ba, từ 1,03 tỷ người vào năm 2017 lên 3,07 tỷ vào năm 2100. Khi đó, gần một nửa dân số thế giới sẽ là người châu Phi.

dan-so-2

Dân số các nước khu vực Cận Sahara, như Nigeria, có thể tăng gấp ba vào năm 2100. Ảnh: CNN

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng dân số thế giới có thể đạt đỉnh 9,7 tỷ người vào năm 2064, sau đó giảm còn khoảng 8,8 tỷ người vào cuối thế kỷ, do phụ nữ ngày càng được tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn.

Theo kênh CNN,  các nhà khoa học thuộc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Y Washington, cho biết đến năm 2100, 183 trong số 195 quốc gia trên thế giới sẽ không đạt tỷ lệ sinh cần thiết để duy trì dân số hiện tại, chỉ với 2,1 ca sinh/phụ nữ. Trong đó, dân số tại các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Italy và Tây Ban Nha, sẽ chứng kiến sự sụt giảm hơn 50%.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng dân số của vùng Cận Sahara - châu Phi có thể tăng gấp ba trong suốt thế kỷ, ước tính từ 1,03 tỷ người vào năm 2017 sẽ tăng lên 3,07 tỷ vào năm 2100. Bắc Phi và Trung Đông cũng là các khu vực có dân số gia tăng, với dự đoán tăng từ 600 triệu người năm 2017 lên đến 980 triệu người vào năm 2100.

“Do tỷ lệ sinh sinh sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài, nên dân số châu Phi sẽ tăng lên rất nhiều. Đến cuối thế kỷ, dân số châu Phi sẽ đạt đỉnh điểm. Khi đó, gần một nửa dân số thế giới sẽ là người châu Phi”, ông Murray cho biết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet hôm 14/7 cũng dự báo dân số trong độ tuổi lao động tại các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc cũng giảm đáng kể. Điều này sẽ gây tổn thất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và có thể có tác động tiêu cực đến lực lượng lao động và hệ thống hỗ trợ xã hội.

“Từ những năm 1960, thế giới đã rơi vào tình trạng bùng nổ dân số. Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến bước ngoặt lớn từ quá đông dân sang quá ít dân”, Tiến sĩ Christopher Murray, nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu năm 2017, các nhà nghiên cứu dự đoán dân số ở khu vực châu Á, Đông Âu và Trung Âu sẽ chứng kiến tình trạng suy giảm nhanh nhất.

Trong đó, dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 128 triệu người năm 2017 xuống còn 60 triệu người vào năm 2100. Thái Lan cũng chứng kiến mức giảm từ 71 triệu xuống 35 triệu người, dân số Tây Ban Nha từ 46 triệu người sẽ giảm còn 23 triệu người. Dân số Italy từ 61 triệu người sẽ giảm còn 31 triệu người. Bồ Đào Nha giảm từ 11 triệu người xuống 5 triệu người, Hàn Quốc từ 53 triệu người đến 27 triệu người. Dân số Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ giảm tới 50%.

Tiến sĩ Murray cho biết không chỉ suy giảm mà dân số nói chung sẽ già hơn, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế.

“Có nhiều người cần nhận được hỗ trợ từ chính phủ, cho dù đó là bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, và có ít người phải trả thuế hơn”, ông giải thích.

Nghiên cứu cũng cho biết có sự thay đổi lớn trong cấu trúc tuổi toàn cầu, khi tỷ lệ sinh sẽ giảm và tuổi thọ sẽ tăng lên. Ước tính, có đến 2,37 tỷ người trên 65 tuổi trên toàn cầu, và chỉ có 1,7 tỷ người dưới 20 tuổi.Số lượng người già trên 80 tuổi cũng tăng gấp 6 lần, từ 141 triệu người đến 866 triệu người. Trong khi đó, số trẻ em dưới 5 tuổi được dự đoán sẽ giảm trên 40%, từ 681 triệu trẻ năm 2017 xuống còn 401 triệu trẻ vào năm 2100.

Các nhà nghiên cứu nhận định “sự suy giảm nghiêm trọng” dân số trong độ tuổi lao động ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ cản trở sự tăng trưởng kinh tế và dẫn đến việc thay đổi trong các cường quốc toàn cầu.

“Số người trưởng thành trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã bắt đầu giảm. Sự suy giảm người trưởng thành trong độ tuổi lao động sẽ xảy ra ở một nơi như Trung Quốc. Điều này có nghĩa là họ sẽ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế theo tốc độ mà họ có về lâu dài ”, ông Murray nhận định. Các dự đoán mới cũng nêu bật “những thách thức lớn” mà các quốc gia sẽ phải đối mặt khi dân số già đi, bao gồm kìm kẹp sự tăng trưởng kinh tế và gây gánh nặng cho các cơ chế hỗ trợ y tế và xã hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự suy giảm dân số có thể được bù đắp bằng số dân nhập cư. Các quốc gia có chính sách nhập cư tự do sẽ có khả năng duy trì quy mô dân số và kinh tế tăng trưởng tốt hơn, ngay cả khi tỷ lệ sinh giảm, đặc biệt là các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp như Mỹ, Australia và Canada.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...