Dịch sởi bùng phát gấp 14 lần: Nguyên nhân do đâu?

Thứ Năm, 18/04/2019 06:33 AM (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, dịch sởi bùng phát mạnh, nguyên nhân một phần do phụ huynh chủ quan, số khác tẩy chay vắc xin.

dich-soi

Sau 4 năm không có ca bệnh sởi, từ năm 2018, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, bệnh sởi quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh theo chu kỳ 5 năm.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, thành phố ghi nhận 3.316 ca sốt phát ban nghi sởi.

Trong 3.316 ca sốt phát ban nghi sởi có 1.564 ca bệnh nhập viện, còn lại là ca bệnh ngoại trú, trong đó có những tuần thành phố ghi nhận đến 350 ca bệnh nhập viện. Năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.693 ca bệnh sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Nguyên nhân bệnh sởi tăng cao bất thường được Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố phân tích là mỗi năm, thành phố còn khoảng 5% số trẻ (tương đương 5.000 trẻ) chưa được tiêm chủng mũi sởi 1. Sau 5 năm, số trẻ chưa được tiêm chủng sởi lên đến gần 20.000 trẻ. Đây là lý do làm bệnh sởi lây lan mạnh trong cộng đồng sau mỗi 4-5 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước.

Bên cạnh đó, hiện nay việc cập nhật, rà soát để quản lý đầy đủ đối tượng tiêm chủng trên địa bàn dân cư vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến còn một số đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng vẫn bị bỏ sót, nhất là con của công nhân, người lao động nhập cư hoặc ở nơi có dân cư di biến động nhiều.

Để kéo giảm bệnh sởi trong cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ lây lan, từ tháng 12/2018, thành phố đã triển khai Chiến dịch tiêm miễn phí vắcxin Sởi-Rubella (MR) cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn tại trường học cho trẻ đi học và tại trạm y tế cho trẻ không đi học. Qua chiến dịch, đã có 253.525 trẻ được tiêm ít nhất 1 mũi vắcxin phòng bệnh sởi, đạt 85,7%.

“Tuy tỷ lệ bao phủ vẫn chưa đạt mục tiêu 95% đề ra nhưng con số này cũng đã tác động tích cực, số ca bệnh sởi đang giảm liên tục hàng tuần. Tuy nhiên để mang tính bền vững, cần tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm vét thường xuyên cho trẻ," bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Cũng theo bác sỹ Dũng, bệnh sốt phát ban nghi sởi có thể kéo dài đến tháng 6/2019.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết số ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu tiếp tục tăng lên trong năm 2019. Dữ liệu sơ bộ cho thấy mức tăng là 300% trong 3 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù đây chỉ là những số liệu sơ bộ và chưa hoàn chỉnh, trong thông cáo báo chí phát đi tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15-4, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những con số cho thấy xu hướng tăng diễn ra liên tiếp trong hai năm qua.

Những đợt bùng phát bệnh sởi lớn đang xảy ra ở nhiều quốc gia, khắp các khu vực, như ở CHDC Congo, Ethiopia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Madagascar, Myanmar, Philippines, Sudan, Thái Lan và Ukraine, gây tử vong cho người bệnh, chủ yếu là trẻ nhỏ.

Trong những tháng gần đây, số ca bệnh cũng tăng ở những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao, như Mỹ, Israel, Thái Lan và Tunisia...

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất thế giới, có thể dẫn đến diễn tiến nghiêm trọng.

Năm 2017, bệnh đã gây ra gần 110.000 ca tử vong. Ngay cả ở các nước thu nhập cao, biến chứng dẫn đến nhập viện chiếm khoảng 1/4 số ca bệnh, với khả năng dẫn đến các vấn đề sức khỏe suốt đời như tổn thương não, mù lòa hoặc mất thính giác.

Bệnh sởi gần như hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng hai liều vắc-xin an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tỉ lệ người tiêm vắc-xin liều đầu tiên trên toàn cầu đã xuống mức 85% trong khi cần đạt đến tỉ lệ 95% để ngăn chặn dịch bệnh. Tỉ lệ người tiêm mũi vắc-xin thứ hai trong khi đó lại tăng lên 67%.

WHO cũng khuyến nghị các biện pháp phù hợp để đảm bảo các dịch vụ tiêm chủng đáp ứng nhu cầu của mọi người như: các phòng khám dễ tiếp cận, đúng thời điểm và cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có thể bị phân biệt đối xử hoặc thiệt thòi.

Tỉ lệ tiêm vắc-xin liều thứ 2 cũng cần được nâng cao trên toàn cầu để tối đa hóa khả năng bảo vệ dân số khỏi bệnh sởi.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi.

Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...

Sau sốt 3-4 ngày, các nốt ban bắt đầu nổi nhưng thường sẽ tự khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên có tới 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng...

Đến nay, điều trị sởi chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.

Với trẻ em, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng.

Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...