Điều gì sẽ xảy ra với Việt Nam vào năm 2038?

Thứ Ba, 23/07/2019 08:03 AM (GMT+7)

Nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, Việt Nam sẽ rơi vào viễn cảnh “chưa giàu đã già” và gây sức ép rất lớn đến hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng và hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

dan-so-2038

Theo kết quả sơ bộ 

Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, hiện nay, nước ta có 96,2 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%, nghĩa là bình quân mỗi năm Việt Nam tăng khoảng một triệu dân.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, cơ cấu dân số nước ta đang thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự báo đạt đỉnh vào năm 2020.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Việt Nam cũng bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số.

Đến năm 2049, tại Việt Nam, cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người). Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội nếu không có chính sách thích ứng phù hợp.

Vì sao Việt Nam có tốc độ già hóa "phi mã"?

Các chuyên gia nhận định, có hai yếu tố chính dẫn đến tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.

Thứ nhất, trong những năm qua, kinh tế nước ta đã có những bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện kéo theo tuổi thọ trung bình của người dân cũng tăng lên và tăng nhanh hơn so với mặt bằng chung của thế giới.

Thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của nước ta tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Thứ hai, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chương trình DS-KHHGĐ, trong đó, đáng chú ý là mức sinh giảm rõ rệt, tỷ lệ trẻ em sinh ra thấp trong khi tỷ trọng người cao tuổi (NCT) ngày càng tăng.

Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất từ 15 đến 18 năm. Hay nói cách khác, hơn một thập niên nữa, người già Việt Nam sẽ đứng top đầu trên thế giới.

Viễn cảnh cho Việt Nam trong hơn một thập niên tới

Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc như sự tăng trưởng kinh tế; lao động việc làm; chăm sóc y tế; an sinh xã hội; sự chuyển dịch các dòng di cư; thiết kế hạ tầng...

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, NCT đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (22,4% năm 2016); số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng.

Bên cạnh đó, hiện nay, khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

 Hơn nữa, theo các chuyên gia lão khoa, đa phần NCT phải đối mặt với gánh nặng "bệnh tật kép", chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm như: Đái tháo đường, đột quỵ, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ… phải điều trị suốt đời.

Thế nhưng, có một thực tế là khoảng 30% NCT tại Việt Nam không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, đồng nghĩa với việc 70% NCT sẽ phải tự chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, trong khi giá các dịch vụ đang ngày một tăng.

Ngoài ra, NCT vẫn còn bị phân biệt đối xử, hạn chế trong tiếp cận thông tin, dịch vụ tài chính, cơ hội tập huấn, đào tạo nghề, việc làm. Phần lớn NCT vẫn đang làm việc nhưng chủ yếu là những công việc không được trả công…

Chính vì vậy, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, Việt Nam sẽ rơi vào viễn cảnh "chưa giàu đã già" và gây sức ép rất lớn đến hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng và hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Để xây dựng xã hội thích ứng với già hóa dân số, theo các nhà nhân khẩu học, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về NCT, nghĩa là NCT không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng.

Theo đó, già hóa dân số vừa là thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội không nhỏ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Hơn hết, thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già hóa trong tương lai không xa.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...