Đưa kỹ thuật cao vào chăm sóc sức khỏe người dân

Thứ Ba, 05/11/2019 10:31 AM (GMT+7)

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa khai trương máy Pyrexar tăng nhiệt hỗ trợ điều trị ung thư và máy cộng hưởng từ, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có công nghệ hiện đại này.

benh vien xanh pon

Các đại biểu tham quan hệ thống máy Pyrexar tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hà Vũ

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô Hà Nội ngày càng được cải thiện, chất lượng hoạt động của hệ thống y tế thành phố được Bộ Y tế đánh giá cao so với nhiều địa phương. Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB), không để người dân phải vượt tuyến hoặc ra nước ngoài điều trị mà vẫn được hưởng thụ các dịch vụ y tế hiện đại tại cơ sở. Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô, ngày 25-11-2016, Sở Y tế TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4522/QĐ-SYT thành lập Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm luôn là địa chỉ được người bệnh và gia đình người bệnh lựa chọn KCB, chăm sóc sức khỏe. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú, phẫu thuật tăng từ 20% đến 30% qua các năm. 6 tháng đầu năm 2019, trung tâm đã đón tiếp gần 13.000 lượt khám ngoại trú, hơn 1.600 bệnh nhân điều trị nội trú, gần 1.500 trường hợp phẫu thuật tại trung tâm... Thực tế đó càng khẳng định hướng đi đúng của Hà Nội khi áp dụng mô hình hoạt động kết hợp hài hòa, có hiệu quả công tác quản lý chuyên môn theo chuẩn quản lý bệnh viện công lập và quản trị điều hành theo mô hình bệnh viện tư nhân, với cơ chế tự chủ về tài chính. Để phục vụ người dân tốt nhất, từ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của lãnh đạo thành phố, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng KCB, tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu đặc biệt trong điều trị ung thư.

Qua khảo sát tại Việt Nam cho thấy, kỹ thuật điều trị ung thư bằng phương pháp tăng nhiệt khối u sử dụng sóng điện từ hội tụ không xâm lấn (Hyperthermia) là một phương pháp điều trị cục bộ, nghĩa là năng lượng nhiệt truyền tải vào cơ thể bệnh nhân chỉ có thể tác động cục bộ trên khối u mục tiêu và kết thúc ngay khi tắt nguồn, không ảnh hưởng đến bộ phận khác. Khối u được làm nóng đến nhiệt độ 40-45oC trong khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu lâm sàng của điều trị ung thư siêu nhiệt là tạo ra đủ nhiệt để tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm hỏng tế bào bình thường và tăng hiệu quả của xạ trị. Hyperthermia có thể được ứng dụng một mình nhưng thường được kết hợp với xạ trị. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh rằng, tăng thân nhiệt có thể tăng gấp đôi hiệu quả xạ trị trong các khối u chọn lọc, không tăng độc tính.

Tại lễ khai trương đưa vào sử dụng hệ thống máy Pyrexar tăng nhiệt hỗ trợ điều trị ung thư và máy cộng hưởng từ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, ngành y tế Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu khoa học, tập đoàn lớn trên thế giới cập nhật quy trình KCB, các công nghệ mới để bổ sung vào quy trình KCB nhằm phục vụ người dân Hà Nội. Trên thế giới có khoảng 40 quốc gia sở hữu công nghệ này, tuy nhiên 35 nước là loại máy 2D và Việt Nam là một trong 5 quốc gia sở hữu thiết bị 3D. Xanh Pôn là bệnh viện công lập đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại này. Đây là cột mốt đáng nhớ cho nỗ lực ứng dụng những công nghệ mới nhất để chăm sóc sức khỏe người dân. “Đây là việc mà thành phố đã và đang hướng tới để chăm sóc tốt nhất sức khỏe người dân”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đang tiếp tục đàm phán với một số tập đoàn, trung tâm nghiên cứu trên thế giới để cập nhật công nghệ mới, đưa chất lượng KCB của ngành y tế Hà Nội phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, rút ngắn thời gian người bệnh phải lưu trú, điều trị tại bệnh viện, giảm giá thành KCB.  

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...