789

Em bé chào đời nắm chặt vòng tránh thai của mẹ: Bác sĩ lý giải nguyên nhân đặt vòng tránh thai vẫn có thai

Thứ Tư, 01/07/2020 02:18 PM (GMT+7)

Bác sĩ nhận định, thông thường tỷ lệ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai rất hiếm, chỉ chiếm 2%. Có thể do trong quá trình đặt, vòng bị tụt xuống nên không có khả năng tránh thai nữa.

vong-tranh-thai

Sản phụ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai. Em bé chào đời với vòng tránh thai trong bàn tay bé xíu.

Hình ảnh được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng ghi lại ngày 30/6. Trong ảnh, em bé nhắm mắt, trên tay nắm chặt cuống vòng và dây, đưa sát vào miệng. Khi vừa đăng tải trên trang mạng xã hội riêng của bệnh viện, bức ảnh nhận được 3.000 lượt like, hơn 7.000 lượt bình luận và chia sẻ. Mọi người đều cảm thấy thích thú với điều này.

Bác sĩ Trần Việt Phương, Trưởng khoa Sản 2, kể khi bé ra luôn cùng vòng thì bé quờ túm luôn lấy vòng. "Đỡ đẻ xong, thấy trường hợp này hay quá nên tôi chụp lại, không ngờ mọi người quan tâm nhiều thế".

Bác sĩ cho biết sản phụ 34 tuổi, đẻ thường hai lần trước. Cách đây hai năm, chị có đi đặt vòng tránh thai ở bệnh viện huyện. Đến khi thấy chậm kinh, sản phụ đi siêu âm thì phát hiện thai làm tổ đúng vị trí đặt vòng, được 5 tuần.

Sáng 30/6, sản phụ chuyển dạ và sinh bé trai nặng 3,2 kg, khỏe mạnh hồng hào. Lúc này, vòng tránh thai đã tụt xuống eo và cổ tử cung. Đến lúc đầu và tay bé ra khỏi bụng mẹ, vòng tụt xuống, bé nắm chặt luôn lấy vòng tránh thai.

Sản phụ và bé "mẹ tròn con vuông", đang được theo dõi chăm sóc tại bệnh viện.

Bác sĩ Phương nhận định, thông thường tỷ lệ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai rất hiếm, chỉ chiếm 2%. Có thể do trong quá trình đặt, vòng bị tụt xuống nên không có khả năng tránh thai nữa.Bác sĩ khuyên chị em phụ nữ nếu muốn đặt vòng tránh thai, nên kiểm tra định kỳ, tránh trường hợp vòng đi lạc.

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài trong nhiều năm. Hai loại thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Cơ chế tác dụng chính của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc, không tạo điều kiện để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.

TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, BV Từ Dũ TP.HCM, chia sẻ, nhiều người sau khi đặt vòng thường chủ quan không đi khám sức khỏe do nghĩ rằng đã đặt vòng thì sẽ không thể mang bầu nên cứ “thả” thoải mái. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bị lệch vòng, tuột vòng, dẫn đến có thai ngoài ý muốn.

“Để ngăn ngừa tình trạng này, sau khi đặt vòng, nếu thấy xuất hiện triệu chứng rong kinh, ra huyết bất thường; đau bụng dưới, bị ra huyết trắng quá nhiều hoặc bỗng nhiên có kinh nguyệt nhiều hơn những tháng khác thì có thể vòng tránh thai đã bị lệch, cần đi khám sớm. Ngoài ra, sau đặt vòng, chị em cần tuân thủ đúng lịch khám sức khỏe định kỳ 3 tháng một lần để xác định vòng có còn nằm đúng vị trí hay không” - BS Hà khuyến cáo.

Hình ảnh cậu bé Dexter Tyler với chiếc vòng tránh thai nắm chặt trong tay được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi trong mấy ngày qua. (Ảnh: Lucy Hellein)BS Hà chia sẻ thêm, trong trường hợp đã đặt vòng mà chị em vẫn có thai và muốn giữ lại thai, các BS sẽ theo dõi quá trình phát triển của thai kỳ kèm chiếc vòng. Nếu chiếc vòng lệch thấp, nó sẽ được lấy ra. Nếu vòng ở vị trí cao, nằm ngoài túi thai thì lúc sinh, chiếc vòng sẽ cùng với nhau thai tuột ra ngoài. Ở Việt Nam những trường hợp này cũng khá nhiều.

Riêng với biện pháp sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày, theo BS Hà thì đây chỉ là liệu pháp tránh thai tạm thời. Hiệu quả tránh thai sẽ đạt 99,8% trong trường hợp người sử dụng thuốc tuân thủ nghiêm ngặt giờ uống thuốc. Ngược lại, những người uống thuốc không đúng giờ, lúc nhớ, lúc quên thì tỉ lệ thất bại của biện pháp này rất cao. “Nếu bác sĩ phát hiện bệnh nhân có thai trong chu kỳ đang dùng thuốc sẽ không chỉ định phải bỏ cái thai mà sẽ theo dõi các giai đoạn phát triển của thai nhi. Bởi thực tế cho thấy có nhiều bà mẹ có bầu đang trong thời gian dùng thuốc vẫn sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh” - BS Hà nói.

Ngoài việc sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày, hiện thuốc tránh thai khẩn cấp cũng được nhiều chị em sử dụng. ThS-BS Dương Thị Lan - BV Hùng Vương, cho hay theo quy định chỉ được uống tối đa 2 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong một tháng nhưng không ít người dùng tới 10-15 viên/tháng. Khi sử dụng thuốc tránh thai nhiều như vậy có thể gây một số tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn…

 “Thuốc tránh thai là những thuốc có tác dụng mạnh để chống thụ thai, nó không chỉ đơn thuần tác dụng lên cơ quan sinh sản mà người sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp quá nhiều cũng sẽ dẫn đến vô sinh. Nguyên nhân là khi được dùng quá liều, thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ làm niêm mạc tử cung teo lại, niêm mạc mỏng khiến trứng không thể làm tổ được” - BS Lan khuyến cáo.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...