Giấc ngủ với sức khỏe người cao tuổi

Thứ Năm, 16/11/2023 06:31 AM (GMT+7)

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe khi chúng ta già đi, tuy nhiên nhiều người già vẫn không biết ngủ bao nhiêu là đủ.

 Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi tái tạo năng lượng cho các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Chu kỳ ngủ - thức của con người được quy định bởi một đồng hồ sinh học trong bộ não, nó luôn cân bằng thời gian ngủ và thức của cơ thể con người. Giấc ngủ tốt là một phần cơ bản của cuộc sống khỏe mạnh, giúp cho mọi hoạt động của cơ thể và trạng thái tinh thần được cải thiện. Vì, giấc ngủ sẽ làm tan biến sự mệt mỏi, khôi phục sức lực đã mất, giữ cho thần kinh được cân bằng, bảo vệ đại não, vì thế làm cho tinh thần ổn định, cởi mở, có tác dụng khôi phục và tăng cường trí nhớ, nâng cao hiệu suất trong công việc, phòng chống bệnh tật.

Khi già đi, bộ não có thể yêu cầu chúng ta đi ngủ sớm hơn. Đây có thể là lý do tại sao rất nhiều người ngủ ngay sau khi ăn bữa tối. Mặc dù vậy, hầu hết người lớn tuổi không phải lúc nào cũng ngủ đủ 8 tiếng hoặc thức dậy với cảm giác sảng khoái. Điều này có thể là do bộ não của chúng ta không trải qua giấc ngủ sâu nhiều như khi còn trẻ. 

Chân bồn chồn, viêm khớp, rối loạn hô hấp có thể khiến chúng ta tỉnh táo. Người lớn tuổi bị rối loạn tuyến tiền liệt hoặc bàng quang thường thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh. Điều này cũng làm gián đoạn giấc ngủ. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ cho biết, khi mô hình giấc ngủ thay đổi theo tuổi tác, người lớn từ 65 tuổi trở lên vẫn cần ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm và lý tưởng nhất là ngủ liền mạch. Mặc dù ngủ 7-8 tiếng là lý tưởng cho người lớn tuổi, nhưng một số người có thể ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cá nhân của họ. Ví dụ, một số người chỉ ngủ 6 tiếng nhưng vẫn có cảm giác sảng khoái. Trong khi đó, những người khác có thể cần thêm một giờ hoặc lâu hơn, tổng cộng là 9 giờ mỗi đêm. 

Ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn đáng kể so với mức cần thiết có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe bao gồm huyết áp cao, béo phì, bệnh tim và trầm cảm. Nhưng ngủ quá ít hoặc quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó chẳng hạn như rối loạn hô hấp, ngưng thở khi ngủ, trầm cảm hoặc lo lắng, bệnh tuyến tiền liệt...

20190619_035625_1104

Thế nào là giấc ngủ tốt, có chất lượng?

Một giấc ngủ được gọi là tốt khi đó là một giấc ngủ sâu, không hoặc ít bị thức giấc trong đêm, nếu có thức giấc nửa đêm thì vẫn có thể ngủ lại dễ dàng. Quan trọng để nhận biết một giấc ngủ có chất lượng tốt chính là sáng dậy con người cảm thấy đầu óc minh mẫn và cảm nhận cơ thể mình thật sảng khoái và khỏe mạnh.

Ngược lại một giấc ngủ kém chất lượng là một giấc ngủ chập chờn, mộng mị và hay bị thức giấc. Sau khi thức giấc giữa đêm thì rất khó khăn hoặc mất nhiều thời gian để ngủ trở lại. Kết quả là vào sáng hôm sau sẽ cảm thấy nặng đầu, nhức đầu, uể oải và mệt mỏi, khó tâp trung.

Làm gì để cải thiện giấc ngủ cho người cao tuổi?

Có thể cải thiện giấc ngủ của người cao tuổi bằng cách xác định yếu tố cơ bản nào làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và thực hiện các thay đổi đó:

     - Người cao tuổi thường có rối loạn giấc ngủ với nhiều lý do khác nhau, nên tập luyện để thành thói quen mỗi một ngày nên ngủ đủ thời gian (khoảng từ 6 - 8 tiếng đồng hồ là tốt nhất, bao gồm cả giấc ngủ trưa ngắn). Nên có thói quen đi ngủ đúng giờ (cả ngủ trưa và ngủ buổi tối) và thức dậy đúng theo một thời gian cố định (những lúc đầu nên đặt chuông báo thức, về sau đã thành thói quen). Việc làm này sẽ làm tăng cường thêm chức năng sinh học và có thể giúp người cao tuổi dễ ngủ hơn vào ban đêm.

     - Để có giấc ngủ tốt cần quan tâm đến các yếu tố liên quan như: phòng ngủ thoáng, mát, hạn chế ánh sáng đến mức tối đa, giường ngủ sạch sẽ, mền, ga, gối, nệm có độ cứng thích hợp với từng người. Phòng ngủ của người cao tuổi nên bố trí ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại, thoáng nhưng tránh gió lùa. Mùa lạnh, có mền đủ ấm để tránh lạnh ảnh hưởng đến giấc ngủ và các bệnh mạn tính ở người cao tuổi.

     - Không nên đi ngủ khi bụng đói (không được bỏ bữa, nhất là bữa tối) và càng không nên ăn quá no trước khi đi ngủ tối. Với người cao tuổi thì nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu để tránh rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, ậm ạch) gây mất ngủ. Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ gây đi tiểu đêm ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ. Người cao tuổi cũng cần hạn chế đến mức tối đa hoặc tốt nhất là kiêng hẳn rượu, bia, cà phê, trà đặc, thuốc lá trước khi đi ngủ tối.

     - Cần tích cực điều trị kiểm soát tốt các bệnh mạn tính, đặc biệt các bệnh thường gây khó chịu vào ban đêm như: bệnh dạ dày, đại tràng, bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẻn mạn tính, suy tim, tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, ngưng thở khi ngủ ….Nếu thiếu ngủ do bệnh hoặc thuốc, hãy tư vấn bác sĩ về khả năng thay đổi thuốc hoặc thời gian dùng thuốc trong ngày. Bên cạnh đó có thể dùng một số các thiết bị sức khỏe trên thị trường hiện nay có thể giúp đo lường và đánh giá chất lượng giấc ngủ như SkyPad, thiết bị giúp đo lường các chỉ số sức khỏe theo thời gian thực và sẽ gửi cảnh báo ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

     - Để có giấc ngủ tốt, người cao tuổi nên vận động thể lực thường xuyên bằng các hình thức phù hợp nhất cho mỗi người như: đi bộ, chơi cầu lông, thể dục dưỡng sinh, yoga…).

     - Cần phải luôn giữ tinh thần vui vẻ, gạt bỏ mọi lo lắng, buồn phiền bằng cách tâm sự với người thân, bạn bè, nghĩ và hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp thời quá khứ… Như vậy mới có một tâm trạng thoải mái và vui vẻ để đi vào giấc ngủ.

Tóm lại, Việc duy trì giấc ngủ tốt mỗi ngày sẽ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu, và tránh được rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch ở người già, bệnh tiểu đường hoặc thừa cân/ béo phì..., do khi ngủ cơ thể sẽ phục hồi, tái tạo năng lượng cho cơ thể, đồng thời tiết ra những hormon cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh. Do đó một giấc ngủ sâu và đủ giấc được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người, đặc biệt ở người cao tuổi.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...